Ba Ngày Chúa Ở Âm Phủ
Huỳnh Christian Timothy
Hỏi:
Kính gửi anh Tim: Ba ngày Chúa ở âm phủ: Khi chịu chết thân xác Chúa nằm trong phần mộ, tâm thần về cùng Đức Chúa Trời, còn linh hồn của Chúa vào âm phủ. Có phải trước tiên linh hồn Chúa vào Ba-ra-đi như sự chết bình thường của một người nghĩa (ở đây Chúa đón linh hồn của tên cướp, Thánh Kinh không ghi rõ là tên bên hữu hay bên tả), sau đó, linh hồn Chúa qua Hades (địa ngục) để chịu án thay cho nhân loại (hay là linh hồn Chúa cũng phải chịu án trong vực sâu không đáy?). Đến ngày thứ ba (ba ngày ba đêm thân xác Chúa ở trong mộ) Đức Thánh Linh làm cho Ngài phục sinh. Bằng thân thể phục sinh, Ngài trở lại vực sâu công bố sự chiến thắng, qua Hades “giảng cho các linh hồn bị tù”, sau đó Ngài qua Ba-ra-đi đem hết thảy linh hồn các thánh đồ về Trời (trên đường về Thiên Đàng, Ngài ghé lại an ủi Ma-ri Ma-đơ-len)?
Đáp: Trước hết, chúng ta phải nhận rằng, Thánh Kinh không hề trực tiếp cung cấp cho chúng ta các chi tiết về sự Chúa như thế nào trong ba ngày ba đêm thân thể xác thịt của Ngài ở trong lòng đất. Qua một số các câu Thánh Kinh và những lẽ thật căn bản của Thánh Kinh mà chúng ta có thể đúc kết như lời trình bày của bạn trên đây. Kế tiếp, chúng ta cần hiểu rõ về sự nhập thế làm người của Đức Chúa Jesus, hình phạt của tội lỗi, và sự Đấng Christ gánh thay cho nhân loại hình phạt của tội lỗi. Sự Nhập Thế Làm Người của Đức Chúa Jesus Tên gọi JESUS có nghĩa là: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi.” Khi chúng ta gọi Ngài là JESUS thì chúng ta xưng nhận Ngài là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi” tức là, chúng ta xưng nhận Ngài là Thiên Chúa và sự cứu rỗi chỉ có trong Ngài. Khi chúng ta gọi Ngài là CHRIST, thì chúng ta xưng nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa Ngôi Con nhập thế làm người. Khi chúng ta nói “Ngài nhập thế làm người” là chúng ta nói: Ngài đi vào trong thế giới vật chất do Ngài sáng tạo và Ngài trở thành một người như chúng ta. Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa và Ngài trở nên người hoàn toàn. Như vậy, trong thân thể xác thịt JESUS đi lại trên thế gian cách nay khoảng hai ngàn năm hoàn toàn là bản thể và bản tính của loài người. Cùng một lúc, trong thân thể xác thịt đó là bản thể và bản tính của Thiên Chúa. Tuy nhiên, bản thể và bản tính Thiên Chúa đã bị giới hạn trong bản thể của loài người. Có những điều, đang khi còn trong thân thể xác thịt của loài
Hỏi & Đáp: Ba Ngày Chúa Ở Âm Phủ Trang 1
người thì Đức Chúa Jesus không vận dụng thần tính của Ngài, như: Ngài vẫn chịu đói, chịu khát, chịu mệt, chịu đau, chịu cám dỗ bằng năng lực của xác thịt như bất cứ một con người bình thường nào. Thậm chí, Ngài tạm bỏ đi sự toàn tri của Ngài, đến nỗi, khi còn trong thân thể xác thịt, Ngài không biết ngày và giờ Ngài sẽ trở lại. Loài người: Bản ngã, tức linh hồn, tức thực thể có thân vị, của loài người được Thiên Chúa sáng tạo bởi ý muốn và lời phán của Ngài: “Chúng Ta hãy làm nên loài người!” như khi Ngài sáng tạo ánh sáng. Còn bản thể của loài người được Ngài tạo thành bằng cách thổi hơi linh của Ngài vào bụi đất. Bụi đất trở nên bản thể xác thịt của người, hơi linh của Thiên Chúa trở nên bản thể linh của người, gọi là tâm thần. Tâm thần ở trong xác thịt và linh hồn ở trong tâm thần. Linh hồn nhận thức và tương giao với thế giới thuộc linh bằng tâm thần; nhận thức và tương giao với thế giới thuộc thể bằng xác thịt. Linh hồn có thể hành động theo tri thức nhận được từ tâm thần hoặc hành động theo trí thức đúc kết từ các kinh nghiệm của xác thịt. Tri thức là sự nhận thức mà không qua suy luận, trí thức là sự nhận thức qua suy luận. Tri thức chỉ có thể đến từ kinh nghiệm của tâm thần trong khi trí thức có thể đến từ kinh nghiệm của tâm thần hoặc của xác thịt. Thiên Chúa: Là thực thể duy nhất, tự có và có mãi mãi. Thực thể Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị mà Thánh Kinh gọi là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Bản thể của Thiên Chúa là linh (còn gọi là thần). Bản ngã mỗi thân vị Thiên Chúa vẫn được gọi là linh hồn, như trong các câu Thánh Kinh sau đây: “Ta sẽ lập chỗ ở Ta giữa các ngươi, linh hồn Ta không hề ghê gớm các ngươi đâu” (Lê- vi Ký 26:11). “Ta sẽ hủy diệt những nơi cao các ngươi, phá đổ những hình mặt trời, và để thây các ngươi chồng trên thây của hình tượng mình, linh hồn Ta sẽ ghê gớm các ngươi” (Lê-vi Ký 26:30). Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch thành “tâm hồn.” “Họ bèn cất khỏi giữa mình các tà thần, rồi trở lại phục sự Đức Giê-hô-va; linh hồn Ngài buồn rầu về sự khốn khổ của I-sơ-ra-ên” (Các Quan Xét 10:16). Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch thành “lòng.” “Thật, linh hồn Ta ghét những ngày trăng mới và kỳ lễ các ngươi, là nặng nề cho Ta, Ta lấy làm mệt mà gánh lấy” (Ê-sai 1:14). Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch thành “lòng.” “Nầy, đầy tớ Ta đây, là kẻ Ta nâng đỡ; là kẻ Ta chọn lựa, là kẻ mà linh hồn Ta lấy làm đẹp lòng. Ta đã đặt Thần Ta trên người, người sẽ tỏ ra sự công bình cho các dân ngoại” (Ê-sai 42:1). “Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ chẳng thăm phạt vì những sự đó hay sao? linh hồn Ta há chẳng trả thù một nước như vậy hay sao” (Giê-rê-mi 5:9; 29; 9:9)? Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch thành “Thần.” “Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy chịu dạy dỗ, e rằng linh hồn Ta chán bỏ ngươi, mà làm cho đất ngươi hoang vu, không người ở chăng” (Giê-rê-mi 6:8). Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch thành “lòng.” “Ta đã lìa nhà Ta; đã bỏ sản nghiệp Ta; đã phó dân mà linh hồn Ta rất yêu mến cho kẻ thù nghịch nó” (Giê-rê-mi 12:7). Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch thành “lòng.”
Hỏi & Đáp: Ba Ngày Chúa Ở Âm Phủ Trang 2
“Ta sẽ lấy làm vui mà làm phước cho, và chắc hết lòng, hết linh hồn trồng chúng nó trong đất nầy” (Giê-rê-mi 32:41). “Chỉ trong một tháng Ta diệt mất ba kẻ chăn, vì linh hồn Ta đã nhàm chúng nó, và linh hồn chúng nó cũng chán Ta” (Xa-cha-ri 11:8). “Nầy, tôi tớ Ta đã chọn, là Người mà Ta rất yêu dấu, đẹp linh hồn Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Đấng Thần Linh Ta ngự trên Người, Người sẽ rao giảng sự công bình cho dân ngoại” (Ma-thi-ơ 12:18). Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch thành “lòng.” “Ngài bèn phán: Linh hồn Ta buồn bực cho đến chết; các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với Ta” (Ma-thi-ơ 26:38). “Ngài phán với ba người rằng: Linh-hồn Ta buồn rầu lắm cho đến chết; các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức” (Mác 14:34). “Hiện nay, linh hồn Ta phiền muộn. Ta sẽ nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy? Nhưng, vì sự này mà Ta đã đến trong giờ nầy” (Giăng 12:27 – Bản Dịch Ngôi Lời). Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch: “Hiện nay tâm thần Ta bối rối; Ta sẽ nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy! nhưng ấy cũng vì sự đó mà Con đến giờ nầy!” “Người công bình của Ta sẽ cậy đức tin mà sống, Nhưng nếu lui đi thì linh hồn Ta chẳng lấy làm đẹp chút nào” (Hê-bơ-rơ 10:38). Thiên Chúa thành người: Khi Thiên Chúa Ngôi Con nhập thế làm người: ● Ngài có thân thể xác thịt như tất cả mọi người. Thân thể xác thịt đó ra từ một người nữ. Thân thể xác thịt đó là vật chất (bụi đất) được kết hợp với linh thể và bản ngã của Thiên Chúa Ngôi Con. Về phần xác thịt, Ngài là “Con Người,” tức con ra từ bản thể loài người, nên Ngài hoàn toàn là người. Về phần thuộc linh, Ngài là “Con Đức Chúa Trời," tức con ra từ bản thể của Đức Chúa Trời, nên Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa. ● Tâm thần, tức linh thể, của con người mang tên JESUS không được di truyền từ A- đam như bao nhiêu người khác được sinh ra trong thế gian, và cũng không được sáng tạo như A-đam mà là chính linh thể của Thiên Chúa Ngôi Hai chịu giới hạn trong thân thể xác thịt. ● Linh hồn, tức bản ngã, của con người mang tên JESUS không được di truyền từ A- đam như bao nhiêu người khác được sinh ra trong thế gian, và cũng không được sáng tạo như A-đam, mà chính là bản ngã của Thiên Chúa Ngôi Hai chịu giới hạn trong thân thể xác thịt. Thánh Kinh nói rõ như sau: “Đầu Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ, là Con Đức Chúa Trời” (Mác 1:1). “Vì chỉ có một Thiên Chúa, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Thiên Chúa và loài người, tức là Đấng Christ Jesus, là người” (I Ti-mô-thê 2:5). “Ngài vốn có hình Thiên Chúa, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:6-8).
Hỏi & Đáp: Ba Ngày Chúa Ở Âm Phủ Trang 3
Hình Phạt của Tội Lỗi Theo sự công bình của Đức Chúa Trời thì tất cả những ai vi phạm các điều răn của Ngài thì sẽ bị chết. Sự chết xảy ra cho cả thân thể vật chất là xác thịt lẫn thân thể thuộc linh là tâm thần và cho chính bản ngã, tức linh hồn, của kẻ phạm tội. Sự chết có nghĩa là sự bị phân rẽ: Sự chết của thân thể xác thịt: Là sự thân thể xác thịt bị phân rẽ khỏi tâm thần và linh hồn. Khi đó, thân thể xác thịt về lại cùng bụi đất, tâm thần về lại nơi Đức Chúa Trời là Đấng đã ban phát hơi linh để làm thân thể thuộc linh cho loài người; còn linh hồn bị tạm giam trong âm phủ, chờ ngày thân thể xác thịt được sống lại, rồi bị phán xét về mỗi tội lỗi đã làm ra. Sự chết của tâm thần: Là sự tâm thần bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời, không còn tiếp tục nhận được các mạc khải mới từ Đức Chúa Trời, không còn được tương giao với Đức Chúa Trời, và không thể thờ phượng Đức Chúa Trời. Giống như tình trạng máy điện thoại cầm tay bị cắt dịch vụ, không thể liên lạc với tổng đài của hãng phục vụ điện thoại để nhận tín hiệu và các thông tin mới. Sự chết của linh hồn: Là sự bản ngã bị phân rẽ khỏi tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời, bị Ngài rủa sả! Sự chết đời đời: Còn được Thánh Kinh gọi là sự chết thứ hai. Tất cả mọi người đều đã chết, vì đã phạm tội, tức vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Nhưng vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời mà mỗi người đã được ban cho cơ hội thoát ra khỏi sự chết ấy, bằng cách ăn năn tội, tin nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ, rồi hết lòng nhờ năng lực Chúa ban mà vâng giữ các điều răn của Ngài. Những ai không chọn cơ hội được cứu ấy, thì sẽ rơi vào sự chết đời đời. Sự chết đời đời là thân thể xác thịt được sống lại, kết hợp với linh hồn, ra trước tòa phán xét của Đức Chúa Trời để nhận lãnh án phạt về mỗi tội đã làm ra, rồi bị giam đời đời trong hỏa ngục. Thánh Kinh dạy rõ: “Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). “Rồi, tôi thấy một ngai trắng, lớn và Đấng ngự trên ngai. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng nữa. Tôi thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét tùy theo những việc họ đã làm và đã được ghi lại trong những sách ấy. Biển đã giao lại những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã giao lại những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc họ đã làm. Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Bất cứ kẻ nào không tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì bị ném vào hồ lửa” (Khải Huyền 20:11-15). Sự Đấng Christ Gánh Thay cho Nhân Loại Hình Phạt của Tội Lỗi Khi Thiên Chúa Ngôi Con nhập thế làm người, Ngài có thân thể xác thịt hoàn toàn người, tâm thần và linh hồn là tâm thần và linh hồn của Thiên Chúa bị giới hạn như tâm thần và linh hồn của loài người. Trên thập tự giá: ● Tâm thần Ngài bị phân rẽ với Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi” (Mác 15:34)! Ngài đã chết cái chết thuộc linh về tâm thần.
Hỏi & Đáp: Ba Ngày Chúa Ở Âm Phủ Trang 4
● Linh hồn Ngài bị phân rẽ khỏi tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời, Ngài bị Đức Chúa Trời rủa sả: “Vì kẻ nào bị treo ắt bị Thiên Chúa rủa sả” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:23). ● Thân thể Ngài bị phân rẽ với tâm thần và linh hồn, tức là, Ngài gánh thay cho loài người hình phạt của tội lỗi trên thân thể xác thịt. Ngài gánh chịu hình phạt trên thân thể xác thịt của loài người, nhưng trong tâm thần và bản ngã của Thiên Chúa, là tâm thần và bản ngã tự có và có mãi mãi, cho nên, chỉ một mình Ngài, mà Ngài có thể gánh thay hình phạt cho toàn thể nhân loại. Vì toàn thể nhân loại thì hữu hạn, mà Ngài thì vô hạn. Cũng chính vì thế mà một thiên sứ không thể chết thay cho toàn thể nhân loại, vì thiên sứ cũng chỉ là loài thọ tạo hữu hạn. Phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ là phủ nhận quyền năng cứu rỗi toàn thể nhân loại bởi sự chết của Ngài! Ba Ngày Chúa Ở Nơi Âm Phủ Sự Đấng Christ gánh thay cho nhân loại hình phạt của tội lỗi được hoàn tất trên thập tự giá. Liền khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, giao lại tâm thần trong tay Đức Chúa Cha, thì tấm màn phân cách nơi thánh và nơi chí thánh trong đền thờ bị xé toang. Điều đó chứng tỏ sự chuộc tội của Ngài để cứu nhân loại ra khỏi “sự chết thứ nhất” đã hoàn thành, chứ không phải chờ đến khi thân thể xác thịt Ngài sống lại. Cũng không có chuyện, Đức Chúa Jesus Christ phải chịu khổ trong hỏa ngục thay thế cho nhân loại. Bởi vì, án phạt chịu khổ trong hỏa ngục là “sự chết thứ hai” dành cho những ai không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Những ai được cứu khỏi sự chết thứ nhất, tức sự phân rẽ thứ nhất khỏi Đức Chúa Trời, thì không trải qua sự chết thứ hai, tức sự phân rẽ đời đời khỏi Đức Chúa Trời! Vì sự Đức Chúa Jesus Christ gánh thay cho nhân loại án phạt của tội lỗi đã hoàn thành trên thập tự giá, nên trong ba ngày thân thể xác thịt của Ngài ở trong mồ mã, linh hồn của Ngài ở trong tâm thần mà đi công bố năng lực của Tin Lành cho các thiên sứ phạm tội bị giam giữ trong âm phủ. Khi Đức Chúa Jesus Christ vừa trút hơi thở, tâm thần và linh hồn lìa khỏi thân thể xác thịt, sự công chính của Đức Chúa Trời được thỏa mãn (bức màn trong đền thờ bị xé hai) thì lập tức, Đức Chúa Trời phục hồi tâm thần của Ngài và linh hồn của Ngài vẫn ở trong tâm thần mà vào trong âm phủ, trong khi thân thể xác thịt thì ngủ yên trong mồ mã: “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng tâm thần được sống. Bởi (tâm thần) đó, Ngài đã đi giảng cho các thần linh ở trong ngục” (I Phi-e-rơ 3:18-19). Chúng ta không biết Đấng Christ đi giảng cho các thần linh bị tù (các thiên sứ phạm tội) khi nào trong khoảng thời gian ba ngày ba đêm thân thể xác thịt của Ngài ở trong mồ mã, nhưng chúng ta biết, ngay sau giây phút linh hồn Ngài rời thân thể xác thịt, thì Ngài và tên trộm có đức tin nơi Ngài, đều vào nơi lạc viên trong âm phủ: “Đức Chúa Jesus đáp rằng: Quả thật, Ta nói với ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43). Thánh Kinh không nói rõ là tên trộm bị đóng đinh bên hữu hay bên tả của Đức Chúa Jesus, nhưng truyền thống cho rằng, đó là tên trộm bị đóng đinh bên hữu của Ngài. Dù Thánh Kinh không nói rõ, nhưng chúng ta không ngoại trừ việc trong khoảng thời gian ba ngày, ba đêm Đức Chúa Jesus Christ ở với các thánh đồ Cựu Ước trong âm phủ, thì Ngài đã rao giảng ý nghĩa của Tin Lành cho họ, như cách Ngài giảng giải cho hai môn đồ trên đường
Hỏi & Đáp: Ba Ngày Chúa Ở Âm Phủ Trang 5
về làng Em-ma-út! Sau khi Ngài sống lại trong thân thể xác thịt vào cuối ngày Thứ Bảy Sa-bát [1], thì từ khoảng 6 giờ chiều Thứ Bảy đến 6 giờ sáng Chủ Nhật, có lẽ trong chính thân thể phục sinh đó, Ngài vào lại trong âm phủ để đưa các thánh đồ rời âm phủ vào trong thiên đàng, như đã được tiên tri trong Thi Thiên 68:18): “Vậy nên có chép rằng: Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù, Và ban các ơn cho loài người. Vả, những chữ "Ngài đã lên" có nghĩa gì, há chẳng phải là Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp ở dưới đất sao” (Ê-phê-sô 4:8-9)? Trên đường về lại thiên đàng, Ngài đã dừng lại, hiện ra an ủi Ma-ri Ma-đơ-len đang khóc sướt mướt vì tưởng có ai đã dời xác Ngài ra khỏi mồ (Giăng 20:11-18). Sự kiện này giúp cho chúng ta thấy được sự nhân ái của Ngài đối với con dân Ngài. Ngài không đành lòng để cho Ma-ri Ma-đơ-len phải chịu đau đớn, lo lắng lâu hơn nữa, nên Ngài đã hiện ra, an ủi bà trước khi về lại thiên đàng để ra mắt Đức Chúa Cha!
Huỳnh Christian Timothy 10.8.2013
Ghi Chú [1] “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh:” http://thanhoc.timhieutinlanh.net/?p=217
Copyright Notice: All Rights Reserved © 2013 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét