Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 4

013
Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 4
Biến Cố 5: Chúa Đến Để Đem Hội Thánh Ra Khỏi Thế Gian Sự kiện Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, ngay sau khi có sự bội Đạo xảy ra trong Hội Thánh và có sự được tỏ ra của AntiChrist mà Thánh Kinh gọi là: "người tội ác, con của sự hư mất:" "Luận về sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, và về sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài, thì, hỡi anh em, xin chớ vội bối rối và kinh hoàng hoặc bởi thần cảm giả mạo, hoặc bởi lời nói hay là bởi bức thơ nào tựa như chúng tôi đã gởi mà nói rằng ngày Chúa gần đến. Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất được tỏ ra, tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong đền Đức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Đức Chúa Trời. Anh em há không nhớ khi tôi còn ở với anh em, thì đã nói về những sự đó sao?" (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-5). Nhiều người dựa vào lời phán của Đức Chúa Jesus được ghi lại trong Ma-thi-ơ 24:36 để tuyên bố rằng, vì ngày và giờ Chúa đến không ai biết nên Cơ-đốc nhân không cần tìm hiểu về thời kỳ Chúa đến. Thật ra, Chúa phán: "Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết thôi." Nhưng Chúa cũng phán: "Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa" (Ma-thi-ơ 24:33). Chính Đức Thánh Linh cũng phán dạy trong Hê-bơ-rơ 10:25 rằng: "Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy." Ngày ấy được nói đến ở đây là ngày nào? Chính là ngày Chúa trở lại để ban sự cứu rỗi phần thân thể xác thịt cho con dân Chúa. Không ai biết ngày và giờ Chúa đến nhưng ngày nay, những ai biết quan sát thời sự và đối chiếu với các lời tiên tri trong Thánh Kinh, thì họ sẽ biết thời kỳ Chúa đến đã rất gần, chỉ trong vòng một thế hệ. Và chính họ sẽ biết sự càng gần của ngày Chúa đến, khi họ đếm số ngày còn lại của thế hệ nhìn thấy sự kiện dân I-sơ-ra-ên tái chiếm và làm chủ hoàn toàn thành Giê-ru-sa-lem. Vì vậy, tìm hiểu về thời kỳ Chúa đến, qua sự quan sát những lời tiên tri được ứng nghiệm là một việc làm khôn ngoan, đẹp ý Chúa. Sự hiểu biết rằng, ngày Chúa đến đã gần, khiến cho chúng ta càng sốt sắng trong sự giữ mình thánh khiết, càng nhóm họp thường xuyên để an ủi lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau, giúp nhau đứng vững trong đức tin, vượt qua mọi cám dỗ và thử thách, để sẵn sàng ra đi với Chúa. Sự kiện Chúa sẽ đến giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế là một lẽ thật được bày tỏ rõ ràng trong Thánh Kinh:
KTT_013 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 4                            Trang 1
"Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến, chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa những đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau" (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-18). "Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa. Vả, thể hay hư nát nầy phải mặc lấy sự không hay hư nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết. Khi nào thể hay hư nát nầy mặc lấy sự không hay hư nát, thể hay chết nầy mặc lấy sự không hay chết, thì được ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng" (I Cô-rinh-tô 15:51-54). Chú Giải Từng Câu I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-18 15 Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Từ ngữ "chúng tôi" được Phao-lô dùng trong hai thư I và II Tê-sa-lô-ni-ca là để gọi chung Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê. Tên Si-la được phiên âm là Sinh-vanh trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống. Cả hai thư Tê-sa-lô-ni-ca đều được viết tại thành Cô-rinh-tô và cách nhau khoảng sáu tháng (vào khoảng năm 51 hoặc 52). Rất có thể Si-la là người chép thư. Ý của Phao-lô là những gì ông sắp trình bày tiếp theo, là giáo lý được cả ông, Si-la, và Ti-mô-thê rao giảng. "Nhờ Lời Chúa" tức là giáo lý này được chính Chúa truyền dạy cho Phao-lô. Thực tế, ngoài Sứ Đồ Phao-lô chúng ta không thấy các sứ đồ khác giảng dạy về sự Chúa sẽ đến giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian; ngoại trừ Sứ Đồ Phi-e-rơ nói về sự Chúa tái lâm. Phao-lô cho biết, ông nhận Tin Lành trực tiếp từ Đức Chúa Jesus Christ: "Hỡi anh em, tôi nói cho anh em rằng, Tin Lành mà tôi đã truyền, chẳng phải đến từ loài người đâu; vì tôi không nhận và cũng không học Tin Lành đó với một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự tỏ ra của Đức Chúa Jesus Christ" (Ga-la-ti 1:11-12). "Kẻ sống, ở lại cho đến kỳ Chúa đến" là tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, đang còn sống trong thân thể xác thịt trong ngày Chúa đến. "Thì không lên trước những người đã ngủ rồi" tức là không được cất lên trước những người đã chết. 16 Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. "Tiếng kêu lớn" có thể chính là tiếng kêu của Đức Chúa Jesus Christ như khi Ngài kêu La-xa- rơ bước ra khỏi mồ mả. "Tiếng của thiên sứ lớn" tức là tiếng của thiên sứ trưởng. Có thể đây là tiếng kêu báo tin của Thiên Sứ Trưởng Gáp-ri-ên, là thiên sứ từng báo tin cho Tiên Tri Đa-ni-ên về những lời tiên tri KTT_013 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 4                            Trang 2
trong những ngày sau cùng (Đa-ni-ên 8:16; 9:21), báo tin cho Thầy Tế Lễ Xa-cha-ri về sự sinh ra của Giăng Báp-tít, và báo tin cho bà Ma-ri về sự đến lần thứ nhất của Đức Chúa Jesus (Lu- ca 1:19, 26). "Tiếng kèn của Thiên Chúa" là tiếng kèn do các thiên sứ thổi để báo hiệu ngày phước hạnh cho Hội Thánh của Chúa đã đến và cũng là báo hiệu sự giáng lâm của Chúa. "Chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống." Chính Đức Chúa Jesus Christ sẽ giáng lâm giữa chốn không trung, ngự giữa những đám mây. "Bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết." Chính trong khoảnh khắc ấy, thân thể xác thịt của tất cả những con dân chân thật của Chúa đã qua đời trong gần 2,000 năm qua sẽ được sống lại. Thuật ngữ "chết trong Đấng Christ" được dùng để gọi bất cứ ai đã qua đời trong khi thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Sự ăn năn tội tức là sự đau buồn vì những điều nghịch lại các điều răn của Đức Chúa Trời mà mình đã làm ra và không còn muốn tiếp tục làm những điều đó nữa. Sự tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ là sự công nhận những việc làm tội lỗi của mình phải bị hình phạt mà Đức Chúa Jesus Christ đã chịu phạt thay cho mình. Sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời thể hiện lòng ăn năn chân thật của mình và thể hiện năng lực của Thiên Chúa đang hành động trong mình để thánh hóa mình. 17 Kế đến, chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa những đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. "Kế đến, chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa những đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa." Nghĩa là, tiếp liền theo sự kiện thân thể xác thịt của những người đã chết trong Chúa được sống lại, thì họ và cả những người đang sống trong Chúa sẽ cùng nhau được cất lên giữa những đám mây, gặp Chúa nơi không trung. Chúng ta cần chú ý điều này. Trong lần đến này của Chúa để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, Ngài không giáng lâm trên đất, mà Ngài giáng lâm giữa chốn không trung, gọi Hội Thánh lên với Ngài. Từ ngữ được dịch là "cất lên," trong nguyên ngữ Hy-lạp là "harpazo," (G726,) phiên âm tiếng Việt là /ha-pa-dồ/ [1], có nghĩa là "chụp lấy và mang đi." Harpazo được dịch qua Anh ngữ là "rapture." Thánh Kinh còn gọi sự kiện này là "sự trông cậy hạnh phước:" "Vả, ân điển Đức Chúa Trời hay cứu mọi người, đã được bày tỏ ra rồi. Ân ấy dạy chúng ta chừa bỏ sự không tin kính và tình dục thế gian, phải sống ở đời nầy theo tiết độ, công bình, nhân đức, đương chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa vĩ đại và Đấng Giải Cứu chúng ta, là Đức Chúa Jesus Christ, là Đấng liều mình vì chúng ta, để chuộc chúng ta khỏi mọi tội và làm cho sạch, đặng lấy chúng ta làm một dân thuộc riêng về Ngài, là dân có lòng sốt sắng về các việc lành" (Tít 2:11-14). Qua Lời của Chúa, chúng ta thấy rõ, chỉ những ai thật sự gớm ghét tội lỗi, từ bỏ tội lỗi, sốt sắng về các việc lành, tức là các việc được Đức Chúa Trời phán dạy trong Thánh Kinh, điển hình là sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, thì những người ấy mới được dự phần trong "sự trông cậy hạnh phước."  18 Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.
KTT_013 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 4                            Trang 3
Trong gần 2,000 năm qua, Hội Thánh của Chúa luôn bị thế gian ghét bỏ và bị Sa-tan bách hại. Hàng triệu con dân Chúa đã hy sinh mạng sống vì danh Chúa. Công việc Chúa giao cho con dân Chúa là "đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người" (Mác 16:15). Sự đi và giảng đó chẳng "khác nào như chiên con ở giữa bầy muông sói" (Lu-ca 10:3). Bên cạnh đó, sự thân thể xác thịt phải bị ốm đau, già yếu, rồi chết đi trước khi được Chúa làm cho sống lại, là điều khiến cho con dân Chúa mong đợi ngày Chúa đến càng hơn. Hễ ai có lòng yêu mến sự Chúa đến thì Ngài sẽ ban cho họ mão triều thiên của sự công bình [2]: "Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài" (II Ti-mô-thê 4:8). Vì thế, những lời Chúa phán dạy về sự Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian là những lời khích lệ lớn đối với Hội Thánh, mà con dân Chúa cần dùng những lời ấy để an ủi nhau. Chú Giải Từng Câu  I Cô-rinh-tô 15:51-54 51 Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, Trong thư I Tê-sa-lô-ni-ca Phao-lô nói về sự thân thể xác thịt của những người đã chết trong Chúa sẽ được phục sinh trong ngày Chúa đến. Trong thư I Cô-rinh-tô Phao-lô nói đến sự thân thể xác thịt của những người đang sống trong Chúa sẽ được biến hóa trong ngày Chúa đến. Phao-lô gọi đó là sự mầu nhiệm, nghĩa là một sự không thể giải thích được mà chỉ có thể tin. Sự mầu nhiệm đó là, không phải những người thuộc về Chúa sẽ qua đời hết, nhưng có nhiều người sẽ còn sống trong thân thể xác thịt trong ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Thân thể xác thịt của những người đó sẽ được biến hóa. Từ ngữ "biến hóa" trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là "làm cho khác đi." 52 trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa. "Trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi" nói đến sự kiện thân thể những kẻ chết được phục sinh và thân thể những kẻ sống được biến hóa sẽ xảy ra một cách nhanh chóng; nhanh như là khoảng thời gian của một cái chớp mắt. Các nhà khoa học cho chúng ta biết thời gian của một chớp mắt tương đương với 1/3 giây đồng hồ. 53 Vả, thể hay hư nát nầy phải mặc lấy sự không hay hư nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết. Thân thể xác thịt của chúng ta vì hậu quả của tội lỗi mà phải bị già yếu, bệnh tật, và chết đi, trở với bụi đất, cho nên, gọi là thể hay hư nát. Nhưng chính thể hay hư nát đó sẽ được "làm cho khác đi" thành thể không hay hư nát. Tất cả những nguyên tố hóa học nào tạo thành thân thể xác thịt của chúng ta, dù thân thể ấy đang sống hay đã trở về với bụi đất, đều sẽ được Chúa dùng để làm thành một thân thể vật chất mới cho chúng ta. Câu: "thể hay hư nát nầy phải mặc lấy sự không hay hư nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết;" hàm ý chính thân thể xác thịt của mỗi người sẽ được phục sinh hoặc biến hóa thành một thân thể mới; Y như chính thân thể bị đóng đinh và bị chết của Đức Chúa Jesus Christ được phục sinh. Giáo lý nào dạy rằng, thân thể xác thịt hiện tại của chúng ta không liên quan gì đến thân thể được phục sinh hoặc thân thể được biến hóa của chúng ta sau này, thì giáo lý đó là tà giáo. 54 Khi nào thể hay hư nát nầy mặc lấy sự không hay hư nát, thể hay chết nầy mặc lấy
KTT_013 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 4                            Trang 4
sự không hay chết, thì được ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng. Một lần nữa, câu Thánh Kinh trên đây xác định với chúng ta rằng, thân thể xác thịt hiện tại của chúng ta sẽ được phục sinh hoặc biến hóa thành thân thể mới bất tử và bất diệt. Thời Kỳ Chúa Đến Mặc dù Thánh Kinh đã dạy rõ sự kiện Chúa sẽ đến giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Thời Đại Nạn, nhưng vẫn có nhiều người không thông suốt Lời Chúa, phủ nhận lẽ thật đó. Họ đưa ra các lý thuyết về sự Chúa đến vào giữa Thời Đại Nạn hoặc vào cuối Thời Đại Nạn. Trước khi tìm hiểu về hai lý thuyết sai trật này, chúng ta hãy tìm kiếm chứng cớ về sự Chúa luôn luôn đem những con dân chân thật của Ngài ra khỏi thế gian trước khi Ngài hình phạt thế gian qua những sự kiện đã và sẽ xảy ra trong lịch sử. Rồi chúng ta tìm hiểu những câu Thánh Kinh xác định sự kiện Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian phải xảy ra trước Thời Đại Nạn. 1. Trước khi Thiên Chúa tiêu diệt thế gian bằng cơn nước lụt, Ngài đã đem Hê-nóc ra khỏi thế gian: "Hê-nóc đồng đi cùng Thiên Chúa, rồi mất biệt, bởi vì Thiên Chúa tiếp người đi" (Sáng Thế Ký 5:24); và Ngài cũng đem gia đình Nô-ê vào trong tàu: "Đức Giê- hô-va phán với Nô-ê rằng: Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu, vì về đời nầy Ta thấy ngươi là công bình ở trước mặt Ta... Sau bảy ngày, nước lụt xảy có trên mặt đất" (Sáng Thế Ký 7:1, 10). 2. Trước khi Thiên Chúa hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Ngài đã đem gia đình của Lót ra khỏi thành Sô-đôm: "Đến sáng, hai thiên sứ hối Lót và phán rằng: Hãy thức dậy, dẫn vợ và hai con gái ngươi đương ở đây ra, e khi ngươi cũng chết lây về việc hình phạt của thành nữa chăng. Nhưng Lót lần lữa; vì cớ Đức Giê-hô-va thương xót Lót, nên hai thiên sứ nắm lấy tay kéo người, vợ cùng hai con gái người, và dẫn ra khỏi thành" (Sáng Thế Ký 19:15-16). 3. Trước khi Thiên Chúa tiêu diệt các con đầu lòng của xứ Ai-cập, Ngài bảo vệ dân I- sơ-ra-ên bằng huyết của chiên con bị giết trong Lễ Vượt Qua (Xuất Ê-díp-tô Ký 12). 4. Trong Thời Đại Nạn, trước khi Chúa hủy diệt thành Ba-by-lôn thuộc linh, tức Rome và Vatican ngày nay, Ngài kêu gọi con dân Ngài ra khỏi đó: "Tôi nghe một tiếng khác từ trời phán: "Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi nó, để các ngươi khỏi tham dự vào những tội lỗi nó và các ngươi khỏi nhận các tai họa nó" (Khải Huyền 18:4). 5. Lời hứa của Đức Thánh Linh: "...đặng chờ đợi Con Ngài từ trên trời, là Đức Chúa Jesus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ ngày sau" (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:10). 6. Lời hứa của Đức Thánh Linh: "Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta" (I Tê-sa-lô- ni-ca 5:9). 7. Lời hứa của Đức Chúa Jesus Christ: "Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách là giờ sẽ đến trên mọi người trong thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất" (Khải Huyền 3:10). Tà Thuyết về Sự Chúa Đến vào Giữa Thời Đại Nạn Những người đưa ra tà thuyết này chia thành hai phái.
KTT_013 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 4                            Trang 5
Phái thứ nhất cho rằng "tiếng kèn chót" được nói đến trong I Cô-rinh-tô 15:52 chính là "tiếng kèn" được nói đến trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16, và chính là "tiếng loa thứ bảy" trong Khải Huyền 11:15. (Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì cùng là một từ ngữ "salpigx," có thể dịch là loa hoặc kèn). Vì vậy, Chúa sẽ đến vào giữa Thời Đại Nạn để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Tức là, Hội Thánh phải chịu sự bách hại của AntiChrist trong ba năm rưởi đầu của Thời Đại Nạn. Không có câu Thánh Kinh nào liên kết tiếng kèn thổi vào lúc Chúa đến với tiếng kèn thứ bảy trong Thời Đại Nạn. Bảy tiếng kèn trong Thời Đại Nạn là bảy tiếng kèn của sự phán xét, của tai vạ, trong khi tiếng kèn trong ngày Chúa đến là tiếng kèn báo hiệu sự giáng lâm của Chúa, tương tự như trong ngày Chúa giáng lâm trên núi Si-na-i (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:16, 19; 20:18). Thánh Kinh cũng không gọi tiếng kèn thứ bảy trong Thời Đại Nạn là tiếng kèn chót. Về thuật ngữ "tiếng kèn chót" thì chúng ta không tìm thấy nơi nào trong Thánh Kinh giải thích ý nghĩa của nó. Chúng ta chỉ có thể suy luận rằng: Chỉ có hai tiếng kèn được thổi báo hiệu cho con dân Chúa về sự giáng lâm của Ngài: Tiếng kèn thứ nhất được thổi khi Thiên Chúa giáng lâm trên núi Si-na-i để trực tiếp phán truyền các điều răn của Ngài. Tiếng kèn thứ nhì, cũng là tiếng kèn chót, được thổi khi Thiên Chúa giáng lâm giữa chốn không trung để trực tiếp đem những ai tin và vâng giữ các điều răn của Ngài, vào trong nhà của Ngài ở trên trời. Chúng ta nên hiểu rằng, tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ tức là tin vào các điều răn của Đức Chúa Trời: Tin rằng các điều răn của Ngài là thánh, hễ ai vi phạm thì phải bị hình phạt. Tin rằng bản thân chúng ta thật đã vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời và đáng bị hình phạt. Tin rằng Đức Chúa Jesus Christ đã chịu hình phạt thế cho chúng ta, nhờ đó, chúng ta được thoát khỏi sự hình phạt của luật pháp Đức Chúa Trời. Tin rằng, sau khi được tha tội, tức là được thoát khỏi hình phạt của luật pháp chúng ta không thể tiếp tục sống nếp sống vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Phái thứ nhì cho rằng, khi hai nhân chứng của Chúa bị giết vào khoảng giữa của Thời Đại Nạn được sống lại và cất lên trời (Khải Huyền 11:12), thì lúc đó, sự sống lại mới xảy ra trong Hội Thánh và cũng là lúc Chúa cất Hội Thánh lên trời. Không có câu Thánh Kinh nào hổ trợ cho ý tưởng này. Nếu đó là thời điểm Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian thì người ta sẽ biết đúng ngày giờ Chúa đến! (Ba ngày rưỡi sau khi hai nhân chứng bị giết - Khải Huyền 11:11). Tà Thuyết về Sự Chúa Đến vào Cuối Thời Đại Nạn Những người đưa ra tà thuyết này cho rằng, Hội Thánh phải sống trong Thời Đại Nạn. Họ đưa ra ba lập luận: Lập luận 1: Thuật ngữ "các người được chọn" được nói đến trong Ma-thi-ơ 24:22 chính là Hội Thánh: "Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt." Ngoài ra, Khải Huyền nhiều lần đề cập đến "các thánh đồ" trong Thời Đại Nạn, cho nên, đó là bằng cớ sự hiện diện của Hội Thánh trong Thời Đại Nạn. Thật ra, thuật ngữ "các người được chọn" và "thánh đồ" được Thánh Kinh dùng để gọi chung những ai tin nhận Chúa và sống theo Lời Ngài trong mọi thời đại: Thời Trước Cựu Ước, Thời Cựu Ước, và Thời Tân Ước Riêng trong Thời Tân Ước thì chia thành ba thời kỳ khác nhau: • Thời Hội Thánh, bắt đầu từ khi Đức Thánh Linh giáng lâm cho đến khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian. Thời kỳ này kéo dài khoảng 2,000 năm.
KTT_013 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 4                            Trang 6
• Thời Tận Thế, còn gọi là Thời Đại Nạn: bắt đầu từ khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian cho đến khi Vương Quốc Ngàn Năm được thiết lập. Thời kỳ này kéo dài khoảng trên bảy năm. • Thời Vương Quốc Ngàn Năm: Thời kỳ này kéo dài một ngàn năm. Trong mỗi thời kỳ đều có "các người được chọn" hoặc "các thánh đồ" của Chúa nhưng không phải tất cả những người được chọn hoặc tất cả các thánh đồ đều thuộc về Hội Thánh của Chúa. Hội Thánh của Chúa là một thực thể riêng biệt, huyền nhiệm, được kết hợp với chính Chúa trong Lễ Cưới Chiên Con. Vì thế, sự có mặt của "các người được chọn" hoặc "các thánh đồ" của Chúa trong Thời Đại Nạn không hề có nghĩa là Hội Thánh của Chúa phải trải qua Thời Đại Nạn. Lập luận 2: Khải Huyền 20:5 nói đến "sự sống lại thứ nhất" xảy ra vào cuối Thời Đại Nạn: "Đây là sự sống lại thứ nhất. Tuy nhiên, những kẻ chết còn lại sẽ không được phục sinh cho đến khi mãn hạn một ngàn năm." Vậy, sự kiện những người chết trong Chúa được sống lại và những người sống trong Chúa được biến hóa khi Chúa đến, không thể xảy ra trước hoặc giữa Thời Đại Nạn. Thuật ngữ "sự sống lại thứ nhất" được dùng để phân biệt sự sống lại của các thánh đồ với sự sống lại vào cuối Thời Vương Quốc Ngàn Năm của những người không phải là thánh đồ. Từ ngữ được dịch là "thứ nhất" trong nguyên ngữ Hy-lạp gồm hai nghĩa: (1) thứ nhất, và (2) trước. Theo văn mạch thì đây là sự sống lại trước của những người thuộc về Chúa khác với sự sống lại sau của những người không thuộc về Chúa. Thánh Kinh nói về thứ tự sống lại của những người thuộc về Chúa, như sau: "Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ... nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại"  (I Cô-rinh-tô 15:20, 23) Trong nguyên ngữ Hy-lạp, chữ mỗi người được dùng để chỉ về từng cá nhân và chữ thứ tự riêng để chỉ về các thứ tự trong một đoàn quân. Thứ tự đó khởi đầu với vị tướng tiên phong, rồi đến các sĩ quan cận vệ, đội quân xung kích, đội quân chủ lực, và đội quân hậu tập. Qua đó, chúng ta hiểu rằng: • Trong sự sống lại trước hay sự sống lại thứ nhất, thì Đức Chúa Jesus Christ là trái đầu mùa của sự sống lại, tức là người đầu tiên sống lại. Sự sống lại này đã xảy ra cách nay gần 2,000 năm. • Kế đến là sự sống lại của những người đã chết trong Đấng Christ khi Ngài hiện ra để đem Hội Thánh lên không trung hội hiệp với Ngài. Sự sống lại này sẽ xảy ra trong một ngày rất gần đây. • Rồi đến sự sống lại của hai nhân chứng tại thành Giê-ru-sa-lem vào khoảng giữa của Thời Đại Nạn. • Sau cùng là sự sống lại của những thánh đồ tử đạo dưới Thời Antichrist (là những người tin nhận Đấng Christ sau khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian) xảy ra sau khi Đấng Christ tiêu diệt Antichrist (Khải Huyền 20:4) cùng lúc với sự sống lại của các thánh đồ trong các thời kỳ trước Thời Hội Thánh (Thời Cựu Ước và Thời Trước Cựu Ước). Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng là không thể gom chung những người được sống lại trước hay
KTT_013 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 4                            Trang 7
sống lại lần thứ nhất vào chung một thời điểm, mà mỗi người được sống lại theo thứ tự riêng của mình: (1) Đấng Christ, (2) Hội Thánh, (3) Hai chứng nhân, (4) Các thánh đồ Thời Đại Nạn, cùng với các thánh đồ Thời Cựu Ước và Thời Trước Cựu Ước. Lập luận 3: Ma-thi-ơ 24:29-31 cho biết Chúa nhóm họp con dân Chúa sau khi Ngài tái lâm trên đất vào cuối Thời Đại Nạn: "Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời sẽ tối tăm, mặt trăng sẽ không sáng, các ngôi sao từ trên trời sẽ sa xuống, và thế lực của các tầng trời sẽ bị rúng động. Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống. Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia" Vậy, sự kiện những người chết trong Chúa được sống lại và những người sống trong Chúa được biến hóa khi Chúa đến, không thể xảy ra trước hoặc giữa Thời Đại Nạn.        Các câu Thánh Kinh trên đây nói đến sự kiện Chúa nhóm họp mọi con dân của Chúa trên trời và trên đất để cùng nhau vào trong Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài, sau khi Ngài giáng lâm trên đất, tiêu diệt AntiChrist, ném Sa-tan vào vực sâu, và thi hành sự phán xét được tiên tri trong Ma-thi-ơ 25:31-46. Các câu này không liên quan gì đến sự kiện những người chết trong Chúa được sống lại, những người đang sống trong Chúa được biến hóa, rồi tất cả cùng được cất lên không trung gặp Chúa. Điểm quan trọng chúng ta cần ghi nhớ đó là: Khi Chúa đến giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, thì thế gian đang thản nhiên: ăn, uống, cưới, gả, mua, bán, trồng tỉa, cất dựng... như thường. Vì thế, thời điểm đó phải là TRƯỚC Thời Đại Nạn chứ không thể là GIỮA hay là CUỐI của Thời Đại Nạn, là lúc mà toàn thế gian đang bị khốn khổ vì đủ thứ thiên tai, tật bệnh, chiến tranh khủng khiếp chưa từng có và sẽ không bao giờ có nữa trong lịch sử. Sự thiếu hiểu biết về Lời Chúa xưa nay đã tạo ra biết bao nhiêu là tà thuyết và được Sa-tan biến thành tà giáo trong Hội Thánh. Cũng xin nói cho rõ nơi đây: Tà thuyết là những sự giải thích về Thánh Kinh mà không đúng với lẽ thật của Thánh Kinh. Tà giáo là những điều không đúng với Thánh Kinh được cho là lẽ thật từ Thánh Kinh và được giảng dạy trong Hội Thánh của Chúa. Còn ngoại giáo là các tôn giáo không tôn thờ Đức Chúa Jesus Christ.
Xem tiếp: KTT_014 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 5
Copyright Notice: All Rights Reserved © 2013 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét