Có Phải
Không Ai Có Thể Ngăn Cản Sự Phạm Tội?
Nguyên tác: Harold Cupp Người dịch: Mã Thiên Ân
"Lẽ thật sẽ buông tha các ngươi" (Giăng 8:32) Sa-tan muốn Cơ-đốc nhân nghĩ rằng họ có thể tiếp tục phạm tội và vẫn được cứu. Sa-tan thì thầm với tín đồ là không thể ngưng phạm tội được. Để chứng minh điểm này, nó bảo các tín đồ rằng, họ phạm tội mỗi lần có tư tưởng và lòng ham muốn xấu xa. Rồi khi họ đã tin sự dối trá, nó khiến họ nghĩ như sau: Nếu: Tư tưởng ham muốn là tội mà phạm tà dâm cũng là tội. Và: Tôi có thể có những tư tưởng ham muốn mà vẫn được cứu. Vậy: Tôi có thể phạm tà dâm mà vẫn được cứu. Như bạn đã thấy, sự lừa dối của Sa-tan dựa vào chứng cớ giả tạo cho rằng tín đồ có những tư tưởng ham muốn là đang phạm tội. Điều đó không đúng sự thật. Thánh Kinh phân biệt giữa bản chất tội lỗi của một người được mô tả trong Rô-ma 7:17 và Ga-la-ti 5:17: "…tội lỗi ở trong tôi," "…xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh" và sự phạm tội được nói đến ở I Giăng 3:8 là: "Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỷ." Có sự khác biệt lớn giữa bản chất tội lỗi là sức thúc giục trong con người xui khiến con người phạm tội với sự phạm tội là hành động chống nghịch Đức Chúa Trời. Bản chất tội lỗi có sự thúc giục chúng ta phạm tội, và đó là đề tài mà cuốn sách này nói về sự khác biệt giữa bản chất tội lỗi và hành động tội lỗi. Xin bạn hãy so sánh bản chất tội lỗi và hành động tội lỗi. Một hành động phạm tội là sự cố tình vi phạm một trong những điều răn của Đức Chúa Trời với ý thức rằng làm như vậy là sai lầm. Thánh Kinh nói đến sự vi phạm này là "tội kiêu ngạo," có bao gồm tội không biết. Một tội vi phạm trong sự thiếu hiểu biết luật pháp có thể chuộc lại bằng sự dâng tế lễ chuộc tội (Lê-vi Ký 5:17) nhưng với sự vi phạm cố tình thì phải bị tử hình. (Lê-vi Ký 20:10 nói về tội tà dâm hay ngoại tình). Nếu một Cơ-đốc nhân vâng lời Đức Chúa Trời nhưng vì thiếu hiểu biết mà vi phạm một điều răn của Chúa cách không hay biết, thì đó không phải là tội cố tình, và người đó không bị kết án. Của lễ chuộc tội của Đức Chúa Jesus (Huyết của Đấng Christ) đã bao phủ mọi tội lỗi không biết cho đến khi Đức Thánh Linh chỉ ra hành động sai lầm của người ấy. Chúng ta có thể thấy nguyên tắc này một cách rõ ràng trong I Giăng 1:7: "Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Jesus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta." Bạn hãy xem xét kỹ, tình trạng được tẩy sạch là chúng ta phải bước theo sự sáng. Nếu một tín đồ làm điều gì mà người ấy biết là sai, thì người đó không bước theo sự sáng, và vì thế người đó không được Huyết của Đấng Christ bao phủ. Huyết của Đức Chúa Jesus chỉ rửa sạch những tội lỗi không cố ý hay không biết rằng làm như vậy là vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Nếu Cơ-đốc nhân đã biết điều đó là sai, mà cứ tiếp tục vi phạm luật pháp là người ấy mang tội phản nghịch. Nếu người đó không từ bỏ tội đó hoàn toàn và mãi mãi, thì người đó là kẻ chống nghịch lại vương quốc của Đức Chúa Trời và sẽ bị lên án tử hình (chết). Người đó sẽ không hưởng được sự sống đời đời. Đây là điều Giăng nói đến: "Mọi sự không công bình đều là tội; mà cũng có tội không đến nỗi chết" (I Giăng 5:17). "Tội lỗi là sự trái luật pháp" (I Giăng 3:4). Mọi hành động sai lầm là vi phạm luật pháp, nhưng có những sự vi phạm không cố ý thì không đến nỗi chết. Đức Chúa Trời không lên án phạm tội là phải chết, trừ khi có sự cố tình phản nghịch ở trong lòng. Nếu không có lòng bội nghịch thì đó không phải là tội. Có lẽ sự phân tích sau đây sẽ giúp thêm cho sự giải thích thế nào là sự vi phạm: Một người đang bước đi trong công viên và nhìn thấy một bảng cấm là: ĐỪNG DẪM CHÂN LÊN CỎ Sở Cảnh Sát Anh bước tới đá vào tấm bảng hiệu một cách khinh bỉ và nói: "Tôi sẽ bước đi nơi nào tôi muốn bước." Người đó đã hành động chống nghịch lại luật pháp. Một người khác cũng đang đi trong cùng một công viên đó và đi trên bãi cỏ mà không nhìn thấy tấm bảng cấm, nhưng ngay khi anh nhìn thấy nó, anh liền vâng theo. Người đó không có ý chống nghịch. Cả hai người đều vi phạm, nhưng chỉ có một người là chống nghịch thôi. Tội lỗi cũng vậy, chúng ta không phạm tội, trừ khi chúng ta biết điều đó là sự chống nghịch lại một trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, mà cứ phạm. Từ "vi phạm" là một hành động cố ý trong những tội như: Giết người, trộm cướp, tà dâm... Không ai có thể phạm tội một cách bất ngờ được. Cơ-đốc nhân đã được tái sinh có phạm tội không? Sứ đồ Giăng nói: Không. "Ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội" (I Giăng 3:9). Nhiều người nghĩ là họ đã được tái sinh nhưng thật sự không phải. Sự thật là một người không được tái sinh ngay lúc người ấy tin nhận Chúa. Cũng giống như trong thế giới tự nhiên, nơi đứa trẻ được tạo dựng trước khi được sinh ra, thì sự tái sinh thuộc linh cũng vậy. Trước tiên, chúng ta "được tạo dựng từ trên cao," rồi chúng ta tiếp tục lớn lên cho đến khi được sinh ra. Hạt giống trong tử cung có quyền năng lớn lên và chúng ta cũng vậy. Giăng nói: "Nhưng hễ ai đã nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài" (Giăng 1:12). Xin bạn chú ý rằng, Giăng không nói: "những kẻ tin vào danh Ngài là con cái Đức Chúa Trời," nhưng ông nói rằng: Tất cả những người tin có quyền phép để trở nên con cái Đức Chúa Trời!
Có Phải Không Ai Có Thể Ngăn Cản Sự Phạm Tội? Trang 2
Trong sự tái sinh, nhờ có Đức Thánh Linh ở cùng mà người tin Chúa có năng lực vâng lời. Con cái thật của Đức Chúa Trời sẽ chịu khổ vì bất cứ điều gì, ngay cả sự chết, mà không hề chịu xúc phạm Đức Chúa Trời bằng sự không vâng giữ điều răn của Ngài. Theo Thánh Kinh, nếu chúng ta không vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời tức là chúng ta không yêu Ngài. Giăng nói: "Vì này là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài" (I Giăng 3:5). Nếu cho rằng nói như thế vẫn không được rõ ràng thì hãy nghe những gì Đức Chúa Jesus nói: "Ai có các điều răn của Ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến Ta..." (Giăng 14:21). Chỉ những người yêu Chúa và vâng giữ các điều răn Ngài sẽ được hưởng sự sống đời đời. Có thể nào một người được tái sinh phạm một tội cố tình chống nghịch lại luật pháp của Đức Chúa Trời không? Có, bởi vì người đó vẫn còn ý chí tự do, và có thể chọn lựa điều tốt hay xấu. Nhưng khốn thay cho họ nếu họ chọn điều xấu! Bạn hãy nghĩ về điều đó. Đây là một người có phước đã lập giao ước với Đức Chúa Trời là sẽ vâng lời Ngài, và được Ngài ban cho đức tin, sức mạnh, và quyền phép để vâng lời Ngài; nhưng người đó nổi loạn và phản bội Đấng đã bày tỏ lòng thương xót lớn cho người ấy. Người ấy đã nhổ nước miếng vào mặt Đấng Thánh đã chịu khổ hình trên thập tự giá để chết thay cho người đó. Sự kiện một tín đồ đã được tái sinh và hiểu biết lẽ thật mà còn cố tình phản nghịch được Thánh Kinh nói rõ trong Hê-bơ-rơ 10: 26-27: "Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi." Sự phán xét công bình không thương xót của Đức Chúa Trời và sự hủy diệt đời đời của Ngài sẽ dành cho những kẻ hèn hạ: "Bấy giờ chúng nó sẽ kêu cầu cùng Ta, nhưng Ta sẽ không đáp lời; Sáng sớm chúng nó sẽ tìm Ta, nhưng không gặp được. Ấy bởi vì chúng nó ghét sự hiểu biết, không chọn lấy sự kính sợ Đức Giê-hô-va, cũng không muốn theo sự khuyên dạy Ta, và chê bai các lời quở trách Ta. Vì vậy, chúng nó sẽ ăn bông trái của đường lối mình, và được no nê mưu chước của mình riêng. Vì sự bội nghịch của kẻ ngu dốt sẽ giết chúng nó, và sự yên ổn của kẻ dại dột sẽ làm hại cho chúng nó" (Châm Ngôn 1:28-32). "Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời. Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt" (Hê-bơ-rơ 6:4-8). Để tránh không cho những tín đồ mới có sự hiểu biết những điều này và nhận rằng họ phải ngưng phạm tội, ma quỷ đã gieo vào Hội Thánh ý thức sai lầm rằng: Những tư tưởng ham muốn xấu xa, những lời nói giận dữ cũng giống như những hành động cố tình nói dối, trộm cướp, tà dâm... Nó muốn họ nghĩ rằng nếu vi phạm những điều đó thì cũng chỉ là bình thường cho đến khi họ không còn nhận ra đó là sự chống nghịch Đức Chúa Trời và là sự bày tỏ bản chất tội lỗi của họ. Bản chất tội lỗi là phần sinh ra những ước muốn xấu xa. Ma quỷ lợi dụng bản chất tội lỗi để cám đỗ một người phạm tội. Sa-tan có thể dùng bản chất tội lỗi để gây kích thích thân thể, linh hồn và tâm trí một người hầu dẫn người đó đến sự ác. Quyền phép thuộc linh của vương quốc Sa-tan làm việc trực tiếp qua bản chất tội lỗi để cám dỗ một người vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Giống như củ cà-rốt trên cây que giơ trước mặt con lừa, Sa-tan cầm nó lắc lư, như đưa ra phần thưởng khoái lạc, để cám dỗ người ta phạm tội dẫn đến sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Vì phần thưởng khoái lạc càng lúc càng lớn khiến cho nạn nhân vô tình càng lúc càng đi sâu vào sự ước muốn cho đến khi sự thèm khát bắt phục được người ấy và người ấy bắt đầu tự ý muốn phản nghịch Đức Chúa Trời, cuối cùng, ý muốn dẫn đến hành động phạm tội. Sự ham muốn tội lỗi được định nghĩa là "Ước muốn những gì cấm đoán." Thánh Kinh dạy rằng: Mặc dù sự ham muốn tự nó không phải là hành động tội lỗi (tức là sự cố tình vi phạm luật pháp) nhưng nó sẽ dẫn đến hành động vi phạm nếu chúng ta không kiểm soát nó. Đây là cách Gia-cơ bày tỏ diễn tiến của sự ước muốn dẫn đến sự vi phạm và sự chết. Giai đoạn 1: Sự xui giục (lôi kéo) "Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình" (Gia-cơ 1:14). Khi một ngườibị lòng ham muốn của mình xui giục (lôi kéo), thì sẽ bị mê hoặc. Ngay lúc bản chất tội lỗi có cơ hội, thì nó bắt đầu hành động theo ý muốn của một người bằng cách lôi kéo người ấy rời khỏi điều phải để nhường bước cho sự ham muốn của mình (tư dục). Tiếng Hy Lạp: Epithumia, có nghĩa là: "chờ mong những gì bị cấm đoán." Những sự chờ mong đó sẽ bị dụ dỗ. Tiếng Hy lạp: Deleazo, có nghĩa là: "đánh lừa." Một khi người ấy đã bị đánh lừa thì lòng ước muốn nảy sinh ra trong đầu, và bản chất tội lỗi sẽ lôi kéo người ấy phạm tội với phần thưởng khoái lạc hay sự hứa hẹn về khoái lạc nếu người đó tiếp tục mong chờ những gì bị cấm đoán. Giai đoạn 2: Tội lỗi nảy sinh "Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác" (Gia-cơ 1:15). Nếu người đó không ngưng ngay sự làm cho thỏa mãn ước muốn, thì quyền lực của tội lỗi sẽ xâm chiếm người đó khiến cho người đó sẽ phạm tội bằng cách gạt bỏ luật pháp của Đức Chúa Trời qua một bên. Và rồi, khi tội lỗi được làm trọn, thì sinh ra sự chết: "tội ác đã trọn, sanh ra sự chết" (Gia-cơ 1:15). Bạn hãy lắng nghe lời cảnh cáo của Phao-lô viết cho các tín đồ đã được tái sinh tại Rô-ma như sau: "Anh em há chẳng biết rằng, nếu anh em đã nộp mình đặng vâng phục kẻ nào, thì là tôi mọi của kẻ mình vâng phục, hoặc của tội lỗi đến sự chết, hoặc của sự vâng phục (Chúa) để được nên công bình hay sao" (Rô-ma 6:16)? Một Cơ-đốc nhân chân thật sẽ không làm thỏa mãn ước muốn xác thịt về những thèm khát bị cấm đoán, bởi vì người ấy biết điều đó là xấu xa, nguy hiểm, và xúc phạm Đức Chúa Trời. Cơ-đốc nhân trưởng thành biết rằng nếu mình càng làm thỏa mãn những tư tưởng hay lòng ước muốn sai lầm, thì càng phải chịu khổ khi phải cố gắng loại bỏ nó. Những điều ham muốn này càng được thỏa mãn bao nhiêu, thì nó càng ăn sâu và mọc thành rễ ở trong lòng, và càng khó khăn để chinh phục được nó. Các bạn hãy coi chừng! Cơ-đốc nhân không cần phải sợ hãi là họ sẽ không thể chiến thắng được sự cám dỗ, bởi vì Đức Chúa Trời có hứa là Ngài sẽ không để cho họ bị cám dỗ quá sức chịu đựng của họ đâu: "Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được" (I Cô-rinh-tô 1:13). Câu này cũng chứng tỏ người nào đã thật sự được tái sinh và có Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự trị thì có thể nói KHÔNG với bất cứ sự cám dỗ nào đưa đến. Tôi cầu xin cho bất cứ ai chưa cảm thấy mình có thể tránh được tội lỗi sẽ nhận ra rằng mình chưa được sinh bởi Đức Chúa Trời và sẽ kêu cầu Đức Thánh Linh, đầu phục Ngài hoàn toàn trong sự vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời.
Có Phải Không Ai Có Thể Ngăn Cản Sự Phạm Tội? Trang 3
Nếu Cơ-đốc nhân không từ bỏ sự ham muốn xác thịt và muốn giữ nó lại thì sớm muộn gì cũng sa ngã vào quyền lực của bản chất tội lỗi, từ bỏ chủ quyền của Đấng Christ và phạm tội. Nếu người đó thật sự được tái sinh và rồi lại từ bỏ sự vâng giữ luật pháp Chúa, người ấy sẽ bị hư mất! Chẳng những bị hư mất, mà theo Phi-e-rơ, họ chẳng khác gì một con chó liếm trở lại đồ nó đã mửa ra và số phận của họ còn tệ hơn là lúc họ chưa tin Chúa: "Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu. Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn. Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn" (II PHi-e-rơ 2:20-22). Hỡi các bạn Cơ-đốc nhân, hãy coi chừng lòng ham muốn xác thịt của mình trái nghịch lại luật pháp của Đức Chúa Trời, vì ma quỷ rất kiên nhẫn và có nhiều thời gian, nhiều phương cách để cám dỗ các bạn. "Ai nhìn đàn bà mà động lòng ham muốn..." Một thí dụ tốt về ước muốn tội lỗi là tội tà dâm. Đó là một hành động xảy ra khi một người chọn sự gạt bỏ luật pháp của Đức Chúa Trời qua một bên và có quan hệ tình dục với người ngoài hôn nhân. Xin bạn hãy chú ý rằng, phạm tội tà dâm là một hành động tội lỗi, nhưng sự ham muốn đi trước một quyết định thì không phải là một hành động tội lỗi, đây là sự bày tỏ của bản chất tội lỗi. Chú ý sự quan trọng trong lời nói của Đức Chúa Jesus: "Nhưng Ta phán với các ngươi rằng, hễ ai nhìn đàn bà để mà (Tiếng Anh: to) ham muốn người, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi" (Ma-thi-ơ 5:28 - Dịch sát ý tiếng Hy-lạp). Ngài không nói: Nếu bạn nhìn một người đàn bà với (Tiếng Anh: with) sự ham muốn là bạn đã phạm tội tà dâm trong lòng. Ý nghĩa lời phán của Đức Chúa Jesus như sau: Những người Pha-ri-si đã nói với các ngươi là chỉ phạm tội ngoại tình nếu có quan hệ xác thịt với người đàn bà đó, nhưng Ta bảo với các ngươi, Đức Chúa Trời đoán xét ý định trong lòng. Nếu các ngươi nhìn đàn bà với mục đích thỏa mãn ý tưởng được quan hệ tình dục với bà ấy, và điều ngăn cản các ngươi thực hiện ý tưởng đó là vì thiếu cơ hội để hành động, thì lúc đó các ngươi đã vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời rồi." Chữ "để mà" (to) có nghĩa là "có ý định, với mục đích..." (theo Tự Điển Websters). Nếu một người nhìn đàn bà với ý định, với mục đích được thỏa mãn quan hệ xác thịt với người đàn bà đó thì chắc chắn người ấy không thể tránh khỏi sự ham muốn bất chính. Lòng người ấy chắc chắn vẫn còn xấu xa. Người ấy muốn phạm tội tà dâm, người ấy không thật sự được tái sinh; bởi vì Giăng nói: "Ai sinh bởi Đức Chúa Trời thì không phạm tội" (I Giăng 3:9). Nhìn một người nào đó "để mà" ham muốn người đó là tội, nhưng ma quỷ muốn Cơ-đốc nhân nghĩ rằng, chỉ nhìn người khác phái và cảm thấy ham muốn thì cũng là hành động tội lỗi rồi. Điều đó không đúng! Đó chỉ là giai đoạn đầu của sự cám dỗ. Sự cám dỗ để phạm tội đến từ lòng ham muốn nhưng chính những sự ham muốn chưa phải là hành động tội lỗi, bởi vì sự cám dỗ không bao gồm sự chống nghịch. Nếu sự ham muốn chính là hành động tội lỗi thì Đức Chúa Jesus cũng đã phạm tội bởi vì Thánh Kinh nói rằng: Mọi người đều bị cám dỗ, bị lôi kéo bởi lòng ham muốn của mình, và Đức Chúa Jesus cũng bị cám dỗ như chúng ta. Lời Thánh Kinh không thể bị hủy bỏ Đây là bằng chứng cuối cùng rằng sự ước muốn tội lỗi không phải là hành động tội lỗi; Thánh Kinh nói về Đức Chúa Jesus: "Vì thế Ngài phải chịu làm mọi sự giống như anh em của Ngài, hầu cho Ngài trở nên thầy tế lễ thượng phẩm hay thương xót và trung tín…" (Hê-bơ-rơ 2:17). "Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm mà không có cảm giác sự yếu đuối giống như của chúng ta; nhưng có thầy tế lễ bị cám dỗ trong mọi sự như chúng ta mà không phạm tội" (Hê-bơ-rơ 4:15). "Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình" (Gia-cơ 1:14). Bằng chứng: Nếu: Mọi người đều bị cám dỗ khi bị lôi kéo bởi lòng ham muốn mình Và: Đức Chúa Jesus cũng bị cám dỗ trong mọi sự như chúng ta Như vậy: Đức Chúa Jesus bị cám dỗ khi Ngài bị lôi kéo bởi tư dục của Ngài Vì thế: Nếu: Đức Chúa Jesus bị cám dỗ khi Ngài bị lôi kéo bởi tư dục của Ngài Và: Nhưng Đức Chúa Jesus không hề phạm tội Như vậy: Đức Chúa Jesus không có tội lỗi khi Ngài bị cám dỗ Vì thế, nếu Chúa của chúng ta bị cám dỗ bởi lòng ham muốn (ham muốn tội lỗi) thì sự ham muốn không phải là hành động tội lỗi. Thánh Kinh nói rằng tất cả các Cơ-đốc nhân đều bị cám dỗ và bị lôi kéo bởi lòng ham muốn của mình, nhưng: "Kẻ nào phạm tội thì thuộc về ma quỷ" (I Giăng 3:8). Ma quỷ muốn chúng ta phạm tội, và "tội lỗi là sự vi phạm luật pháp" (I Giăng 3:4). Những người chọn không vâng giữ bất cứ một phần nào trong MƯỜI ĐIỀU RĂN bao gồm cả NGÀY SA-BÁT là nghe lời ma quỷ. Họ là tôi tớ của nó và sẽ chịu cùng số phận với nó trong Ngày Phán Xét. Phao-lô cảnh cáo: Anh em há chẳng biết rằng, anh em nộp mình làm tôi tớ cho ai để vâng phục, thì là tôi tớ của kẻ mình vâng phục… (Rô-ma 6:16). Một câu hỏi quan trọng mà một Cơ-đốc nhân có thể hỏi chính mình: Tôi là tôi tớ của ai? Đức Chúa Jesus đã trả lời: Ai phạm tội là tôi mọi (tôi tớ) của tội lỗi (Giăng 8:34).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét