Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Tiếng Của Máu

Hỏi & Đáp:
Tiếng Của Máu
Copyright Notice: Mọi tác quyền thuộc về www.tinlanhvietnam.net @ Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.
Huỳnh Christian Timothy
Hỏi: "Tiếng của máu" trong Sáng 4:10 hiểu nghĩa đen hay nghĩa bóng?
Đáp:  Trong Thánh Kinh có hai lần đề cập đến việc dường như máu có thể lên tiếng:  "Đức Giê-hô-va hỏi: Ngươi đã làm điều chi vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến Ta." (Sáng Thế Ký 4:10) "...gần Đức Chúa Jesus, là Đấng Trung Bảo của giao ước mới, và gần huyết rưới ra, huyết đó nói tốt hơn huyết của A-bên vậy." (Hê-bơ-rơ 12:24) Như vậy, có phải máu của A-bên và máu của Đức Chúa Jesus biết "nói" theo nghĩa đen? Để trả lời, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của hai câu Thánh Kinh này.
Máu của A-bên Trong trường hợp máu của A-bên, Thánh Kinh còn ghi rằng: "Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy; lại cũng nhờ đó dầu người chết rồi, hãy còn nói." (Hê- bơ-rơ 11:4)  Cho nên, chúng ta biết rằng, bởi đức tin thể hiện qua hành động mà A-bên được Đức Chúa Trời xưng nghĩa; và cũng nhờ đó mà sau khi chết, A-bên vẫn còn nói. Điều gì mà sau khi chết A-bên vẫn còn nói? Dựa vào Sáng Thế Ký 4:10 và Khải Huyền 6:9, 10 chúng ta có thể kết luận rằng, đó là những lời kêu gọi Đức Chúa Trời báo trả ca-in, là kẻ đã làm đổ máu vô tội của ông. Chính Đức Chúa Jesus tuyên bố máu của A-bên là máu vô tội (vì ông đã được Đức Chúa Trời xưng nghĩa) [1]. "Khi Ngài tháo dấu ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có hồn những kẻ đã bị giết vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ mà họ đã giữ lấy. Họ kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa, Đấng Thánh và Chân Thật!  Ngài không phán xét và báo trả cư dân trên đất về máu của chúng tôi cho đến khi nào?" (Khải Huyền 6:9, 10 – Bản Dịch Ngôi Lời) "hầu cho hết thảy máu vô tội bị tràn ra trên mặt đất, đổ về các ngươi, từ máu A-bên là người công bình cho đến máu Xa-cha-ri là con của Ba-ra-chi, mà các ngươi đã giết ở giữa khoảng đền thờ và bàn thờ." (Ma-thi-ơ 23:35)  Như vậy, chúng ta có thể kết luận: từ ngữ "tiếng của máu" trong Sáng Thế Ký 4:10 được viết theo phép ngoa dụ, tức là cách thậm xưng trong ngôn ngữ để nhấn mạnh một ý tưởng [2]. Ý tưởng cần được nhấn mạnh trong câu nói của Đức Chúa Trời là sự kêu oan của A-bên. Có thể Ca-in cho rằng việc giết người của ông không ai thấy, không ai biết, và cũng rất có thể ông đã chôn dấu xác chết của A-bên để phi tang. Tuy nhiên, A-bên vẫn có thể kêu oan lên Đức Chúa Trời sau khi chết là vì con người đích thật của A-bên là linh hồn chứ không phải thân thể xác thịt. Loài người có thể giết chết thể xác nhưng không thể giết được linh hồn của nhau (Ma-thi-ơ 10:28). Một chi tiết khác cần để ý là từ ngữ máu trong Sáng Thế Ký 4:10 được dùng với số nhiều. Các nhà giải kinh Do-thái Giáo cho rằng chữ máu được dùng số nhiều có thể bao gồm những ý nghĩa như sau: 1. Bao gồm mỗi một giọt máu của A-bên đổ ra. 2. Bao gồm máu đổ ra từ mỗi một vết thương trên thân thể của A-bên.
Hỏi & Đáp: Tiếng Của Máu                                                                                                      Trang 2
3. Máu của A-bên tiêu biểu cho máu của tất cả các con cháu của A-bên mà ông sẽ có nếu ông không bị giết. Thế cho nên, sự kêu oan của A-bên còn là tiếng kêu đại diện cho vô số mạng sống không còn cơ hội được sinh ra làm người, qua ông. Cách giải luận này phù hợp với ý nghĩa của Hê-bơ-rơ 7:9, 10: "Lại có thể nói rằng Lê-vi là kẻ thâu lấy một phần mười đó, chính mình người cũng bởi Áp-ra-ham mà đóng một phần mười; vì lúc Mên-chi-xê-đéc đi đón tiên tổ, thì Lê-vi còn ở trong lòng tổ phụ."
Máu của Đức Chúa Jesus Trong trường hợp máu của Đức Chúa Jesus, trước hết chúng ta cần phải dịch Hê-bơ-rơ 12:24 một cách sát ý theo nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh để có thể hiểu đúng ý của kinh văn: "gần Đức Chúa Jesus, là Đấng trung bảo của giao ước mới, và gần máu rưới ra, máu đó nói những điều tốt hơn A-bên." Trong nguyên tác có từ ngữ "những điều" và không có từ ngữ "huyết của." Như vậy, ý nghĩa của Hê-bơ-rơ 12:24 là: "chúng ta được đến gần Đức Chúa Jesus là Đấng Trung Bảo của chúng ta và đến gần máu của Ngài, là máu đã được rưới ra làm của lễ chuộc tội cho chúng ta. Máu đó nói lên những điều tốt hơn là A-bên nói." A-bên đã nói những gì và máu Chúa đã nói những gì tốt hơn A-bên nói? A-bên, cũng như những linh hồn tử đạo thời đại nạn, kêu oan, đòi sự báo trả công chính của Đức Chúa Trời trên những kẻ sát hại họ. Tiếng nói của A-bên là tiếng nói kêu gọi sự báo thù. Đức Chúa Jesus đổ máu ra để đáp ứng lại tiếng gọi báo thù của A-bên và hết thảy những người công chính bị giết trong thế gian. Đức Chúa Jesus đổ máu ra để những kẻ giết người được tha thứ, được thoát khỏi sự báo thù công chính đến từ Đức Chúa trời. Vì thế, máu của Đức Chúa Jesus là tiếng kêu của sự tha thứ và phục hòa trong công chính. Những kẻ ác được tha thứ và được phục hòa với Đức Chúa Trời, với nạn nhân của họ (nếu họ ăn năn tội và tiếp nhận máu chuộc tội của Đấng Christ), nhưng sự báo trả công chính của Đức Chúa Trời vẫn được thi hành. Từ ngữ "nói" trong Hê-bơ-rơ 12:24 được dùng với nghĩa bóng: hàm ý, ngụ ý, có ý nghĩa, tiêu biểu cho... như trong câu thí dụ: "Sự im lặng của anh nói lên anh đã hết đường biện hộ."
Kết luận "Tiếng kêu của máu A-bên" là một lời nói mang tính ngoa dụ để nhấn mạnh rằng: Tiếng kêu oan của A-bên thấu đến Đức Chúa Trời.  "Máu của Chúa nói những điều tốt hơn A-bên" là một lời nói mang nghĩa bóng, hàm ý: Trong khi sự đổ máu của A-bên đòi hỏi một sự báo trả công chính trên kẻ ác, là Ca-in, thì sự đổ máu của Đấng Christ đáp ứng cho sự đòi hỏi đó và đem đến sự tha thứ, phục hồi cho mọi tội nhân, không riêng gì Ca-in.
Huỳnh Christian Timothy 29.07.2011
Chú Thích [1] Xin nghe thêm: "Sự Xưng Nghĩa, Sự Tái Sinh, và Sự Thánh Hóa:" http://tinlanhvietnam.net/node/835  [2] "Phép ngoa dụ (hyperbole) là hình thức dùng chữ hoặc lời nói diễn tả vượt mức bình thường để làm nổi bật  một ý tưởng. Ngoa dụ là một từ Hán Việt. Ngoa có nghĩa là nói thêm ra, dụ là làm cho hiểu rõ ràng. Ngoa dụ nghĩa là nói thêm ra để giúp cho người nghe hiểu được cái ý người nói muốn truyền đạt. Có sách văn phạm tiếng Việt không gọi là phép ngoa dụ mà gọi là phép thậm xưng. Thậm xưng cũng là từ Hán Việt. Thậm có nghĩa là quá mức, xưng có nghĩa là gọi. Thậm xưng có nghĩa là gọi một điều gì đó quá mức.  Câu: "Đầu đội trời, chân đạp đất," là hình thức dùng phép ngoa dụ để nhấn mạnh tính tình thẳng thắn của một người biết tự trọng, không chịu khuất phục sự vô lý, bất công. Câu: "Một giọt máu đào hơn ao nước lã," là hình thức dùng phép ngoa dụ để nhấn mạnh sự thấm thiết của tình ruột thịt.  Ngoa dụ hay thậm xưng được dùng để làm nổi bật một ý tưởng cho nên người nghe không thể giải thích câu ngoa dụ theo nghĩa đen của câu văn. Phép ngoa dụ giúp cho người viết hay người nói không chỉ truyền đạt dữ kiện mà còn truyền đạt cả tâm tư, cảm xúc của mình đến người đọc hoặc người nghe. Câu ngoa dụ không phải là một câu nói dối vì giá trị của câu ngoa dụ không dựa vào nghĩa đen của câu nói mà dựa vào ý mà tác giả muốn nhấn mạnh. Khi một người nói: "Điều đó làm cho tôi đau buồn đến đứt ruột, đứt gan!" không có nghĩa là người đó nói dối mà có nghĩa là người nói muốn nhấn mạnh sự đau buồn đối với người ấy quá to lớn, khó thể chịu đựng."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét