Hiện Tượng “Đặt Tay Té Ngã”
Huỳnh Christian Timothy
Hỏi Vào ngày kỷ niệm lễ Ngũ Tuần gần đây nhất (2007) vào cuối giờ thờ phượng, ông mục sư P.Đ.N có mời gọi các tín đồ tiến lên phía trên để được ông đặt tay cầu nguyện (đầy dẫy Thánh Linh), có hai ba người lên để được cầu nguyện. Khi được đặt tay cầu nguyện, ông mục sư có cầm micro và cầu nguyện bằng tiếng lạ, đa phần những người được đặt tay đều té ngã... Theo phân tích của Huỳnh Christian Timothy, việc làm của ông là sai với Thánh Kinh, và sai với Thánh Kinh thì có kẻ hở để Satan chen vào, suy ra những việc làm ra từ đây đều đến từ ma quỷ. Về phần mục sư này, tôi cũng biết về ông hơi nhiều: càng ngày ông càng ít nóng tính, ông dâng hiến 6/10, ông hay giúp đỡ người nghèo, theo cách nhìn của tôi thì ông là một người rất tốt, lộ ra bông trái của Thánh Linh (nhưng tôi không biết về thời gian cầu nguyện của ông). Điều này có gì trái ngược với phân tích của Huỳnh Christian Timothy trong tinlanhbiengiao.net hay không?
Đáp Như bạn đã biết, trong Thánh Kinh không hề có ghi lại một trường hợp nào một người được người khác đặt tay cầu nguyện, hoặc được đầy dẫy Thánh Linh, thì té ngã. Dưới đây là những trường hợp được báp-tem bằng Thánh Linh và đầy dẫy Thánh Linh mà Thánh Kinh ghi chép rõ ràng: • Trường hợp 1: Các môn đồ, bao gồm các sứ đồ, khoảng 120 người, vâng lời Chúa, chờ đợi tại Giê-ru-sa-lem để được báp-tem bằng Thánh Linh (Công Vụ 1:4-5). Khi Đức Thánh Linh giáng lâm, Ngài đổ đầy Thánh Linh trên họ, họ được đầy dẫy Thánh Linh và khởi nói các thứ tiếng ngoại quốc theo như sự ban cho của Đức Thánh Linh (Công Vụ 2:4). Không một người nào bị té ngã. Không một người nào xin được nói tiếng lạ. Không một người nào tập nói tiếng lạ. Không một ai đặt tay trên họ! • Trường hợp 2: Những người Sa-ma-ri từ bỏ phép thuật của thuật sĩ Si-môn, và tin nhận Đấng Christ (Công Vụ 8:4-25). Đây là một trưòng hợp đặc biệt. Dân Sa-ma-ri vốn là một sắc dân lai chủng giữa dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc khác. Người I-sơ-ra-ên chính gốc khinh rẽ và không giao tiếp với dân Sa-ma-ri (Giăng 4:9). Sau khi Hội Thánh bị Sau-lơ bách hại nặng nề, dẫn đến sự tuẫn đạo của Ê-tiên thì các môn đồ (ngoại trừ các sứ đồ) đều phải lánh nạn khỏi thành Giê- ru-sa-lem (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:1). Phi-líp là một trong những môn đồ lánh nạn, và ông đã đi đến thành Sa-ma-ri. Có lẽ, vì dân Sa-ma-ri vốn có dòng máu I-sơ-ra-ên, và trước đó cũng đã có cả làng tin nhận Đấng Christ, cho nên, Phi-líp tự nhiên rao giảng về Chúa cho họ. Cũng có lẽ, Phi-líp ghi nhớ lòi Chúa dạy là hãy rao giảng về Chúa khắp Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri... (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8) cho nên ông chọn đến Sa-ma-ri. Kết quả truyền giáo của Phi-líp rất là độc đáo. Đức Thánh Linh qua Phi-líp đã thi hành nhiều phép lạ, đánh bại sự tôn thờ của người Sa-ma-ri đối với tà thuật của Si-môn, (họ tin rằng quyền phép của Si-môn đến từ Đức Chúa Trời – Công Vụ Các Sứ Đồ 8:10), và bắt phục luôn cả Si-môn, khiến Si-môn cùng với dân thành Sa-ma-ri tin nhận Đấng Christ và chịu phép báp- tem.
Hỏi & Đáp: Hiện Tượng “Đặt Tay Té Ngã” Trang 1
Điều lạ lùng ở đây là, mặc dù dân Sa-ma-ri đã tin nhận Chúa, đã chịu lễ báp-tem, nhưng Đức Thánh Linh vẫn chưa giáng trên họ (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:16). Khi nghe tin những người Sa- ma-ri đã tin nhận Chúa thì các sứ đồ tại thành Giê-ru-sa-lem cử Phi-e-rơ và Giăng, là hai nhân vật mà sau này Phao-lô xác nhận rằng là cột trụ của Hội Thánh (Ga-la-ti 2:9), đến để cầu nguyện cho những môn đồ người Sa-ma-ri được nhận lãnh Thánh Linh. Lý do sự nhận lãnh Đức Thánh Linh và được báp-tem trong Thánh Linh bị trì hoãn đối với những người Sa-ma-ri có thể được trình bày như sau: a) Chúa muốn những sứ đồ, cột trụ của Hội Thánh, đại diện cho Hội Thánh, đích thân và công khai tìm đến tiếp nhận những người Sa-ma-ri vào trong Hội Thánh, từ đó xóa đi hàng rào ngăn cách lâu đời giữa dân I-sơ-ra-ên và dân Sa-ma-ri. b) Đức Thánh Linh giáng xuống trên các môn đồ Sa-ma-ri trước sự hiện diện và đặt tay của các sứ đồ cột trụ trong Hội Thánh khiến cho không một ai trong Hội Thánh có thể chống đối việc hội nhập những người Sa-ma-ri vào trong Hội Thánh. Nhận xét: Chính Phi-líp là một nhà truyền giáo đầy ơn của Chúa, qua Phi-líp, Đức Thánh Linh đã làm nhiều phép lạ để thu phục thuật sĩ Si-môn cùng dân thành Sa-ma-ri, thì không có lý do gì Phi-líp không thể đặt tay cầu nguyện cho những người Sa-ma-ri nhận lãnh Đức Thánh Linh và Thánh Linh, như sau này Phao-lô đã làm đối với các môn đồ tại thành Ê-phê-sô. Nếu Phi- líp không có tư cách để đặt tay cầu nguyện cho những người Sa-ma-ri thì e rằng ngày nay chẳng có một mục sư Ân Tứ hay Ngũ Tuần nào có tư cách, vì trong lịch sử 100 năm của các phong trào Ân Tứ và Ngũ Tuần chưa hề có người nào được đầy ơn và làm ra các phép lạ như Phi-líp, người được chính Thánh Kinh làm chứng là đầy dẫy Thánh Linh. Vậy, hai lý do nêu ra trên đây là khả dĩ. Trường hợp tại Sa-ma-ri là một biệt lệ. Trong trường hợp này cũng không có sự té ngã nào. • Trường hợp 3: Gia đình Cọt-nây (Công Vụ Các Sứ Đồ 10). Trong khi Phi-e-rơ đang giảng Đạo thì gia đình Cọt-nây được báp-tem bằng Thánh Linh, mặc dù họ chưa nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa để làm báp-tem bằng nước, và cũng chưa xưng nhận ra miệng đức tin của mình. Đây là trường hợp biệt lệ thứ nhì, là một "phép lạ" để bắt phục các sứ đồ và những tín đồ gốc Do-thái, rằng Tin Lành cũng được ban cho dân ngoại, rằng phép cắt bì không là điều kiện để được cứu rỗi, rằng ngay cả phép báp-tem bằng nước cũng không phải là điều kiện để được cứu rỗi (ngày nay có tà thuyết "tái sinh bởi phép báp-tem"). Gia-đình Cọt-nây đã tin Chúa từ trước khi Phi-e-rơ đến giảng (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:2). Vì vậy, điều kiện duy nhất để nhận sự cứu rỗi, được nhận lãnh Đức Thánh Linh, được báp-tem bằng Thánh Linh là tin nhận Chúa và kính sợ, vâng phục Ngài. Không một ai đặt tay trên gia đình Cọt-nây, không một ai trong gia đình Cọt-nây té ngã khi được báp-tem bằng Thánh Linh, không một ai trong gia đình Cọt-nây nài xin nhận lãnh Đức Thánh Linh, không một ai trong gia đình Cọt-nây cầu xin được nói tiếng lạ. • Trường hợp 4: Một số môn đồ tại thành Ê-phê-sô (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:1-7). Khi Phao-lô gặp khoảng 12 người tin Chúa tại thành Ê-phê-sô, có lẽ ông nhận biết họ chưa được báp-tem bằng Thánh Linh, cho nên, ông hỏi họ: "Từ khi anh em tin, có lãnh được Thánh Linh chăng?" và những người đó thưa rằng: "Chúng tôi cũng chưa nghe có Thánh Linh nào!" (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:2). Nhận xét: Phao-lô không hỏi "Từ khi anh em tin, có cầu xin cho được nhận lãnh Thánh Linh chưa?" Phao-lô cũng không hỏi "Anh em có muốn nhận lãnh Thánh Linh hay không?" Phao-lô cũng không hỏi "Từ khi anh em tin, có sứ đồ nào đặt tay trên anh em chưa?". Nhưng Phao-lô hỏi: "Từ khi anh em tin, có lãnh được Thánh Linh chăng?" Khi nghe họ trả lời rằng chưa hề nghe nói đến Thánh Linh thì Phao-lô biết ngay họ chưa được báp-tem bằng Thánh Linh, cho nên, ông hỏi tiếp: "Vậy thì anh em đã chịu phép báp-tem nào?" Các môn đồ trả lời: "Phép báp- tem của Giăng." Phao-lô liền giải thích phép báp-tem của Giăng dạy chỉ là phép báp-tem ăn năn tội, và ngay sau đó họ bằng lòng làm báp-tem trở lại theo mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus
Hỏi & Đáp: Hiện Tượng “Đặt Tay Té Ngã” Trang 2
Christ, nghĩa là phép báp-tem nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, là phép báp-tem ăn năn tội, phép báp-tem vào trong sự sống lại và sự sống đời đời của Đấng Christ, và phép báp-tem vào trong quyền phép của Đức Thánh Linh. Câu 6: "Sau khi Phao-lô đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên họ..." cũng có thể hàm ý Phao-lô là người làm báp-tem cho họ, và như vậy, không phải vì Phao-lô đặt tay mà họ được đầy dẫy Thánh Linh, nhưng vì họ vừa nhận lãnh lễ báp-tem trong danh Thiên Chúa Ba Ngôi, tức vừa được báp-tem bằng Thánh Linh. Trong trường hợp này cũng không có sự té ngã, sự cầu xin. Việc tôi tớ Chúa cầu nguyện, đặt tay khiến cho con dân Chúa được nhận lãnh Đức Thánh Linh và được báp-tem bằng Thánh Linh là một thực tế xảy ra trong Hội Thánh lúc ban đầu trong hai trường hợp đặc biệt đã nêu trên, (2) và (4). Ngày nay, Hội Thánh của Chúa đã lớn mạnh, đạo Tin Lành đã vững, nguyên tắc nhận lãnh Đức Thánh Linh là ăn năn tội, chịu lễ báp-tem trong danh Thiên Chúa Ba Ngôi; nguyên tắc để được đầy dẫy Thánh Linh là "đừng say rượu" (đừng để cho sự ham mến thế gian điều khiển lòng mình). Khi một người không còn yêu mến thế gian và những sự thuộc về thế gian thì đương nhiên chỉ còn lại sự hết lòng yêu kính Chúa và yêu thương tội nhân. Một người như vậy không thể không đầy dẫy Thánh Linh. Nhận lãnh Đức Thánh Linh là được Đức Thánh Linh ngự vào lòng, ấn chứng cho sự cứu chuộc. Báp- tem bằng Thánh Linh là được dầm thấm, đổ đầy trong năng lực và quyền quép của Đức Thánh Linh. Năng lực và quyền phép của Đức Thánh Linh được gọi là Thánh Linh, khác với Đức Thánh Linh là thân vị của Thiên Chúa Ngôi Thánh Linh. Bông trái của Đức Thánh Linh không phải là hành vi đạo đức bên ngoài của một người. Dâng hiến 6/10 cũng không phải là biểu hiệu của sự đầy dẫy Thánh Linh, lại càng không phải là bông trái của Đức Thánh Linh (nhưng làm sao bạn biết là ông dâng 6/10?) Nhiều người không hề tin nhận Chúa, không hề có Đức Thánh Linh trong lòng nhưng đời sống đạo đức trong xã hội đáng làm gương cho con dân Chúa. Bông trái của Đức Thánh Linh là hành vi đạo đức bên ngoài đúng theo Lời Chúa, phát xuất từ sự biến đổi bên trong bởi Đức Thánh Linh. Một người có Đức Thánh Linh thì không thể rao giảng nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh. Một người được đầy dẫy Thánh Linh thì không còn yêu mến thế gian và những sự thuộc về thế gian.
Huỳnh Christian Timothy 03.09.2007 Hiệu Đính Lần Thứ Nhất 14.12.2012
Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét