Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 2

Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 2
Biến Cố 3: Sự Bội Đạo Xảy Ra Trong Hội Thánh của Chúa Từ ngữ bội Đạo hoặc bỏ Đạo trong nguyên ngữ Hy-lạp được dùng trong Thánh Kinh có nghĩa là: "tình trạng xa rời lẽ thật." Sứ Đồ Phao-lô đã tiên tri rằng, trước khi Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian thì phải có sự kiện "bội Đạo" xảy ra và sự kiện "người tội ác, con của sự hư mất," tức là AntiChrist, "Kẻ Chống Nghịch Đấng Christ," hiện ra. "Luận về sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, và về sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài, thì, hỡi anh em, xin chớ vội bối rối và kinh hoàng hoặc bởi thần cảm giả mạo, hoặc bởi lời nói hay là bởi bức thơ nào tựa như chúng tôi đã gởi mà nói rằng ngày Chúa gần đến.Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ Đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra" (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-3). Sự bội Đạo được Phao-lô nói đến là sự xa rời lẽ thật trong Hội Thánh của Chúa mà cũng có thể bao gồm luôn sự xa rời lẽ thật của toàn thế gian. Trong Hội Thánh, những người có trách nhiệm chăn giữ bầy chiên của Chúa và rao giảng lẽ thật của Lời Chúa đã không còn chân thật với thiên chức của mình. Họ đã không cho chiên của Chúa ăn đúng giờ, tức không giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa theo nhu cầu của con dân Chúa, thay vào đó, họ rao giảng các thứ triết lý, tâm lý, và truyền thống của thế gian. Họ đã không màng đến sự an nguy của bầy chiên mà Chúa đã giao cho họ chăm sóc. Họ đã để mặc cho con dân Chúa bị tà giáo xui giục, đi xa lẽ thật của Lời Chúa. Thậm chí, chính họ là người đứng ra mời gọi, đem các giáo sư giả, tiên tri giả, sói đội lốt chiên vào trong Hội Thánh của Chúa để chúng tha hồ dụ dỗ và cắn xé bầy chiên của Chúa. Đối với người thế gian thì họ không dám rao giảng Tin Lành chân thật của Chúa, là Tin Lành đòi hỏi loài người phải gọi tội là tội và từ bỏ tội lỗi trước khi nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Họ chỉ rao giảng một thứ "tin lành khác" là Tin Lành bị pha trộn với tâm lý học, bị pha trộn với các thứ văn hóa dân tộc, bị tiêm nhiễm mê tín dị đoan từ ngoại giáo... như: "Tin Lành Thịnh Vượng," "Tin Lành Phép Lạ," "Tin Lành Xã Hội..." Thánh Kinh nói về họ như sau: "Những kẻ canh giữ của I-sơ-ra-ên đều là đui mù, không biết chi hết. Chúng nó thảy đều là chó câm, chẳng biết sủa, đều chiêm bao, nằm sóng sượt, và ham ngủ; lại là chó mê ăn, không biết no. Ấy là những kẻ chăn chiên chẳng khôn sáng; mọi người theo đường riêng mình, mỗi người tìm tư lợi mình, người nào cũng vậy" (Ê-sai 56:10-11). "Những kẻ chăn chiên đều ngu dại, chẳng tìm cầu Đức Giê-hô-va. Vì vậy mà chúng nó chẳng được thạnh vượng, và hết thảy những bầy chúng nó bị tan lạc" (Giê-rê-mi 10:21). Về phần những con chiên thì: "Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe Đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình" (II Ti-mô-thê 4:3).
KTT_011 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 2                              Trang 1
Chưa bao giờ trong lịch sử của Hội Thánh mà "tình trạng xa rời lẽ thật" lại đa diện và trầm trọng ngày càng hơn như trong suốt 50 năm qua. Trách nhiệm đương nhiên thuộc về những kẻ cầm quyền cai trị mà Thánh Kinh gọi là các "thiên sứ" của mỗi Hội Thánh địa phương; nhưng cá nhân của mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh cũng có trách nhiệm tự bảo vệ chính mình khỏi các giáo sư giả, tiên tri giả, và các thứ tà giáo. Thư của Đức Chúa Jesus Christ được viết cho các "thiên sứ" của mỗi Hội Thánh địa phương nhưng Lời của Đức Thánh Linh được phán với "các Hội Thánh." Dưới đây là một số nét điển hình trong việc "xa rời lẽ thật" của Hội Thánh xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn trong vòng 50 năm qua: 1. Thần Học Hội Nhập được giảng dạy trong Hội Thánh: Thần học này cho rằng cần phải hội nhập văn hóa dân tộc hoặc các trào lưu trong thế gian vào trong Thánh Kinh để giúp cho Thánh Kinh được dễ dàng tiếp nhận bởi các dân tộc. Điển hình cho thần học này là Giáo Hội Công Giáo cho phép tín đồ người Việt lập bàn thờ cha mẹ, đốt nhang, thắp đèn, cúng hoa cho người chết. Một số nhà dịch Thánh Kinh thuộc các giáo phái Tin Lành thì dịch lời phán của Chúa với bà Ma-ri từ "Hỡi bà" thành "Thưa mẹ!" Nhiều giáo hội tổ chức đại nhạc hội do các ca nhạc sĩ không tin Chúa trình diễn để qua đó truyền giảng Tin Lành. Một số những ban hát ăn mặc và ca ngợi Chúa theo phong cách của các ca nhạc sĩ không tin Chúa, sáng tác và "biểu diễn" các bài thánh ca theo âm hưởng của nhạc Rock... tất cả đều nhằm mục đích làm sao cho Đạo Chúa hòa nhập với văn hóa của thế gian. Thần học này ngẫu nhiên dạy rằng năng lực của Tin Lành đến từ sức mạnh của văn hóa thế gian chứ không phải bởi Thần của Thiên Chúa. 2. Thần Học Thay Thế được giảng dạy trong Hội Thánh: Thần học này dạy rằng Hội Thánh hoàn toàn thay thế cho dân tộc và quốc gia I-sơ-ra-ên thuộc thể. Vì thế, họ bác bỏ sự kiện Đức Chúa Trời sẽ tái lập một quốc gia I-sơ-ra-ên còn lại cho đến đời đời. 3. Phong Trào Hiệp Nhất: Phong trào này kêu gọi sự hiệp nhất giữa các giáo hội trong Cơ-đốc Giáo, nghĩa là kêu gọi sự hiệp làm một giữa Công Giáo, Chính Thống Giáo, Chính Thống Đông Phương, Anh Giáo, và tất cả các giáo phái Tin Lành. Chắc chắn phong trào này sẽ được thành công ngay sau khi Đức Chúa Jesus Christ đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian. Khi đó, tất cả các giáo hội, giáo phái mang danh Đấng Christ đều sẽ kết hợp làm một với nhau thành Ba-by-lôn thuộc linh, ủng hộ và chi phối chính phủ toàn cầu của AntiChrist. Nhưng đến giữa của Kỳ Tận Thế thì hệ thống tôn giáo này sẽ bị diệt bởi AntiChrist, và được thay thế bởi hệ thống tôn giáo toàn cầu do tiên tri giả lập ra, là hệ thống tôn thờ AntiChrist như Đức Chúa Trời. 4. Khuynh hướng gọi tín đồ Công Giáo là "anh em cùng đức tin," xem và gọi Giáo Hội Công Giáo là Hội Thánh của Chúa: Người Công Giáo không tin rằng cái chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá đủ để chuộc tội cho nhân loại, mà họ tin rằng cần phải có thêm ngục luyện tội. Người Công Giáo thờ lạy hình tượng, tôn bà Ma-ri làm "Mẹ Thiên Chúa" và cầu nguyện với bà, tin rằng bà đồng công với Đức Chúa Jesus Christ trong sự cứu chuộc nhân loại. Như vậy, con dân chân thật của Chúa làm sao có thể gọi người Công Giáo là anh em cùng đức tin và gọi Giáo Hội Công Giáo là Hội Thánh của Chúa? 5. Tâm Lý Học được đưa vào Hội Thánh: Ngày nay các giáo hội mang danh Chúa đã tổ chức huấn luyện các chuyên gia về tâm lý học để đưa vào chức vụ khải đạo, là chức vụ tương đương với chức vụ của một người chăn trong nhiệm vụ hướng dẫn con dân Chúa giải quyết các nan đề tâm lý trong cuộc sống. Họ áp dụng các phương pháp thôi
KTT_011 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 2                              Trang 2
miên, tự kỷ ám thị, pha trộn với các ý tưởng của phong trào New Age để hướng dẫn và "trị liệu" cho con dân Chúa. Đối với họ, quyền năng của Đức Thánh Linh không thể giải quyết mọi nan đề trong đời sống tâm linh của con dân Chúa. 6. Yoga và thiền được đưa vào Hội Thánh: Nhiều giáo phái lớn trong Cơ-đốc Giáo ngày nay tổ chức những lớp tập Yoga và thiền định (được gọi là tĩnh tâm), thậm chí lập ra các khu vườn để cho con dân Chúa thiền hành. Họ đã đem những sinh hoạt thần bí và mê tín dị đoan của ngoại giáo vào trong sinh hoạt tâm linh của con dân Chúa. 7. Cái gọi là "hình Chúa" được treo và tôn kính trong nơi nhóm họp lẫn nhà riêng của con dân Chúa: Gọi hình vẽ bởi sự tưởng tượng của họa sĩ hoặc hình vẽ của một người mẫu là "hình Chúa" rồi tôn kính, treo nó vào nơi trang trọng nhất trong nhà, trong nơi nhóm họp thờ phượng Chúa là phạm thượng và dối trá. Từ bao nhiêu năm qua, hàng tỷ bức hình vẽ được gọi là "hình Chúa" đã được các giáo hội bán ra cho con dân Chúa, làm thành cái bẫy khiến cho con dân Chúa phạm thượng, dối trá, và thờ thần tượng [1]. 8. Thay thế việc đọc Thánh Kinh bằng những "bài học Trường Chúa Nhật," bằng những tài liệu "bồi linh" và "giải kinh:" Điển hình là cuốn sách "Sống Theo Đúng Mục Đích" của Rick Warren. Trong những năm từ 2005 đến 2010 phong trào dành 40 ngày để học tập theo cuốn sách này đã tạo nên những đổ vỡ trong các Hội Thánh địa phương. Phong trào này được hầu hết các giáo hội trong Cơ-đốc Giáo ủng hộ. Nhiều giáo hội đã trục xuất những tín đồ nào không tham dự học tập hoặc lên tiếng phê bình những sự sai trái trong cuốn sách này. Sự thiệt hại do cuốn sách này để lại trong Hội Thánh thật là khó lường [2]. 9. Tạo ra nhiều bản dịch Thánh Kinh không trung thực: Những bản dịch không trung thực đã thêm và bớt Lời Chúa, khiến cho ý nghĩa bị sai lạc, nhiều khi nghịch lại các lẽ thật của Thánh Kinh. Điển hình trong tiếng Anh là bản "The Message." Điển hình trong tiếng Việt là các bản dịch bỏ đi danh xưng "Christ," không dịch mà cũng không phiên âm danh xưng này, và các bản dịch sửa đổi lời phán của Đức Chúa Jesus Christ với bà Ma-ri từ "Hỡi đàn bà!" thành "Thưa mẹ!" 10. Phong Trào Tiên Tri và Giáo Sư Thời Đại: Hàng ngàn kẻ tự xưng là tiên tri và giáo sư đến từ Đức Chúa Trời. Họ khoe rằng họ được Đức Chúa Trời trực tiếp phán truyền, ban cho những chiêm bao và khải tượng để truyền đạt lại cho Hội Thánh. Thực tế thì họ rao giảng những điều nghịch lại Thánh Kinh, pha trộn tâm lý học và các sự mê tí dị đoan của ngoại giáo. Không một lời tiên tri nào của họ được ứng nghiệm nhưng hàng triệu người xưng mình là con dân Chúa vẫn tin theo họ và ủng hộ họ. 11. Sự bác bỏ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời: Nhưng thật ra là sự bác bỏ "điều răn thứ tư" trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Cách nói chung của những kẻ bác bỏ các điều răn của Đức Chúa Trời là: "Điều răn và luật pháp thời Cựu Ước không áp dụng cho con dân Chúa thời Tân Ước." Thế nhưng, những kẻ nói và giảng như vậy lại không dám công khai nói rằng: "Con dân Chúa thời Tân Ước có thể ngoại tình, trộm cắp, giết người, làm chứng dối, v.v.." mà họ chỉ dám công khai nói rằng: "Con dân Chúa thời Tân Ước có thể bỏ đi sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy." Đó là vì mục đích của Sa-tan chỉ cần con dân Chúa phạm một điều răn, cho nên, Sa-tan đã chọn ra điều răn dễ cám dỗ người ta phạm nhất để đưa ra đủ các lý lẽ ngụy biện, xúi giục người ta vi phạm. Sa- tan biết rõ: "Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy" (Gia-cơ 2:10). Bên cạnh đó, Sa-tan còn tạo ra các giáo hội vâng
KTT_011 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 2                              Trang 3
giữ ngày Sa-bát nhưng lại dạy tín đồ của họ các thứ tà giáo khác, kể cả tà giáo bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ. 12. Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần: Nhìn theo quan điểm của những người Ân Tứ và Ngũ Tuần Tin Lành thì Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần được phân biệt như sau: • Làn sóng thứ nhất: Phong Trào Ngũ Tuần (The Pentecostal Movement) khởi động bởi Charles Fox Parham tại  Topeka, Kansas, USA vào năm 1901 và phát triển bởi William Joseph Seymour tại Los Angeles, California, USA vào năm 1906. • Làn sóng thứ nhì: Phong Trào Ân Tứ (The Charismatic Movement) còn được gọi là Phong Trào Ân Tứ Phục Hưng (Charismatic Renewal Movement) khởi động bởi Dennis Bennett tại Van Nuys, California, USA vào năm 1960. • Làn sóng thứ ba: Phong Trào Dấu Lạ (The Signs and Wonders Movement) khởi động bởi John Wimber từ Trường Thần Học Fuller (Fuller Theological Seminary) tại Pasadena, California, USA vào năm 1981. Nhìn khách quan về lịch sử của Cơ-đốc Giáo thì Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần phải được chia ra làm bốn làn sóng, bao gồm Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng (The Catholic Charismatic Renewal Movement) khởi động giữa các sinh viên và nhân sự của Trường Đại Học DuQuesne tại Pittsburgh, Pennsylvania, USA vào năm 1967. Phong Trào Ngũ Tuần (The Pentecostal Movement) còn được gọi là Phong Trào Ngũ Tuần Cổ Điển (The Classical Pentecostal Movement). Ngũ Tuần (Pentecostalism) phát xuất từ Giáo Hội Tin Lành như một phong trào nhấn mạnh đến kinh nghiệm cá nhân của một người với Đức Chúa Trời thông qua cái gọi là "báp-tem bằng Thánh Linh" (the baptism of the Holy Spirit).  Có ba trường phái Ngũ Tuần chính: Trường phái thứ nhất chiếm đa số, có tín lý tương tự như các giáo phái trong Giáo Hội Tin Lành, như tín lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, tín lý về sự cứu rỗi, tín lý về thẩm quyền của Thánh Kinh. Điều khác biệt là họ tin rằng "nói tiếng lạ" là dấu hiệu phải có của một người đã được báp-tem bằng Thánh Linh. Hai trường phái còn lại (một làm lễ báp-tem chỉ trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, một làm lễ báp-tem trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa) dùng Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38 làm nền tảng cho tín lý: Một người cần phải ăn năn tội, nhận báp-tem trong danh Đức Chúa Jesus Christ, rồi nhận lãnh Đức Thánh Linh. Nhận lãnh Đức Thánh Linh là điều cần thiết cho sự cứu rỗi và (theo hai trường phái này) có nghĩa là phải biết "nói tiếng lạ." Như vậy, theo họ, nếu một người tin Chúa mà không biết "nói tiếng lạ" là chưa được báp-tem bằng Thánh Linh và có nghĩa là chưa được cứu rỗi. Hai trường phái này chia ra thành các giáo phái: "Jesus Name," "First," "United," và "Oneness." Từ trong bốn giáo phái chính này lại phát sinh ra nhiều tiểu giáo phái khác nữa. Phong trào Ngũ Tuần phát sinh với George Fox (1624-1691, England), một tín đồ thuộc Giáo Phái Giám Lý (Methodist) và thành viên của phong trào Thánh Khiết (Holliness Movement), là một phong trào cũng bắt nguồn từ Giám Lý. Vào năm 19 tuổi, George Fox ly khai giáo hội vì không chịu nỗi sự hâm hẫm của nó. Chàng thanh niên trẻ khao khát một đời sống thuộc linh phong phú và nóng cháy. Tuy nhiên, thay vì dựa trên nền tảng muôn đời là Lời Chúa để sống đạo, chàng đã dựa trên cảm giác và kinh nghiệm. Chàng nghe một giọng nói phán với chàng, như sau: "Không phải Lời Thánh Kinh bên ngoài, không phải sự giảng dạy của giáo hội, không phải Đấng Christ bên ngoài có thể
KTT_011 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 2                              Trang 4
hướng dẫn con, nhưng là ánh sáng bên trong, là Đấng Christ nội tại." (Not the outward Word of Scripture, not the teaching of the church, not the outward Christ can lead you, but only the inner light, the inward Christ.) Fox trở thành người sáng lập nhóm Con Cái của Sự Sáng (Children of Light) còn gọi là Xã Đoàn Thân Hữu (Society of Friends). Về sau, các đối thủ của ông gọi nhóm của ông là Quakers. (Quake = rung động, quakers = những người hay vật bị rung động. Có lẽ các đối thủ của Fox muốn chế nhạo sự kiện run rẩy trong khi xuất thần của những người thuộc nhóm ông. Tại Việt Nam, Quaker được gọi là Giáo Phái Anh Em). Danh xưng Quaker không bao giờ được Fox và những người theo ông chấp nhận nhưng vẫn được những người ngoài nhóm của ông sử dụng và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Dù trong thuở ban đầu phái Quaker bị bách hại tàn bạo tại Anh nhưng đã phát triển đi khắp nơi, mạnh mẽ nhất là tại Hoa Kỳ và Đông Phi Châu. Điểm quan trọng cần chú ý trong quan điểm cực đoan của phái Quaker ngay từ nguyên thỉ, là: Họ xem ánh sáng nội tại (tâm thức, sự hiểu biết đến từ bên trong) và tiếng phán từ trên cao quan trọng hơn là Lời của Chúa trong Thánh Kinh. (Đối với Phong Trào Ân Tứ sau này thì dấu kỳ và phép lạ quan trọng hơn là Thánh Kinh). Điều đó là cánh cửa mở rộng cho đủ mọi thứ tà giáo xâm nhập. Ngay từ  buổi sơ khai của phái Quaker đã có hiện tượng "nói tiếng lạ" xuất hiện trong nhiều nhóm. Vào những năm 1800, phái Irvinggian được thành lập bởi Edward Irving (1792-1834), vốn là một pastor thuộc Giáo Hội Trưởng Lão (Presbyterian), với danh xưng là Giáo Hội Công Giáo Sứ Đồ (Catholic Apostolic Church) xứ Scotland. Phái này thực hành, giảng dạy sự "nói tiếng lạ" cùng những hình thức xuất thần và các hiện tượng chữa bệnh, khải tượng, nói tiên tri... nên thu hút rất đông tín đồ từ các giáo hội truyền thống vốn đã quá khô cạn sự sống thuộc linh vì sự tắc trách của những người chăn bầy. Phái Irvingian phát triển nhanh chóng sang Anh, Hòa Lan, Hoa Kỳ, và đặc biệt là Đức, với trung tâm chính tại Augsburg, và nơi có đông tín đồ nhất là Stuttgart. Giữa những phong trào xuất thần có phái Mormon, còn được biết dưới danh xưng Latter Day Saints, do Joseph Smith (1805-1844) thành lập. Người Mormon cũng được biết đến qua những hiện tượng về khải tượng, mạc khải, "nói tiếng lạ," và chữa bệnh. Smith xưng rằng, ông nhận được khải tượng đến từ thiên sứ Moroni. Theo Smith, thiên sứ Moroni đã cho ông thấy những tấm bảng bằng vàng trên có viết chữ tại Mount Cumorah và ông đã nhận lãnh những bảng này vào năm 1827. Đối với những người Mormon, những chữ viết trên các tấm bảng vàng này có cùng một thẩm quyền như Thánh Kinh. Smith còn tuyên bố ông đã được phong chức tế lễ theo dòng A-rôn bởi Giăng Báp-tít. Về sau, ông tuyên bố rằng: các Sứ Đồ Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng đã phong chức tế lễ cho ông theo dòng Mên-chi-xê-đéc. Smith bị giết vào năm 1844. Ngay cả vùng cực Bắc của Liên Xô cũ cũng có hiện tượng "nói tiếng lạ" trong một làng nhỏ tên là Kara Kala của dân tộc Armenian, vốn theo Chính Thống Giáo Nga. Vì bị giáo hội khủng bố, cho nên, vào năm 1900, những người Armenian "nói tiếng lạ" này lánh nạn sang Hoa Kỳ và định cư tại Los Angeles. Vài năm sau, nhóm này kết hợp với một nhóm "nói tiếng lạ" khác tại Azusa Street, Los Angeles. Tại Hoa Kỳ, mặc dù hiện tượng "nói tiếng lạ" (không phải là một ngôn ngữ) đã xảy ra từ trước, nhưng đến năm 1901 mới thành phong trào dấy lên khi ân tứ “nói ngoại ngữ” phát sinh từ Trường Thánh Kinh Bethel ở Thủ Đô TopeKa của Tiểu Bang Kansas, do Charles Fox Parham (1873-1929) dẫn đầu. Parham xuất thân từ Giáo Phái Giám Lý (Methodist), là một người sốt sắng trong sự kêu gọi người theo Chúa phải sống thánh KTT_011 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 2                              Trang 5
khiết. Ông phản đối lối tổ chức giáo quyền hàng dọc của Giám Lý, ly khai giáo hội này, tự lập ra một mục vụ riêng, độc lập với các giáo phái và thành lập Trường Thánh Kinh Bethel. Vào đêm tất niên năm 1900, Parham đang giảng cho các sinh viên tại Trường Thánh Kinh Bethel, một nữ sinh viên tên là Agnes Ozman, đã dạn dĩ đứng lên yêu cầu ông đặt tay trên cô và cầu nguyện xin Chúa đổ Thánh Linh xuống trên cô. Parham đáp ứng lời yêu cầu này và lập tức Ozman bắt đầu nói tiếng Trung Hoa. Vài ngày sau, chính Parham cũng nói được một ngoại ngữ mà ông chưa hề biết. Rồi sau đó là các sinh viên khác. Ngày 1 tháng 1 năm 1901, ngày đầu tiên của thế kỷ 20, Parham thành lập Phong Trào Đức Tin Sứ Đồ (Apostolic Faith) và bắt đầu đi khắp nơi rao giảng về sự thánh khiết, sự chữa lành thiên thượng, sự chữa lành bởi đức tin, sự đặt tay cầu nguyện, sự thánh hóa bởi đức tin, và tuyên bố "speak in tongues" (nói ngoại ngữ) là dấu hiệu của sự được báp-tem bằng Thánh Linh và bằng lửa (?) [1]. Đến cuối năm 1901, hiện tượng "speak in tongues"  trong Phong Trào Đức Tin Sứ Đồ được báo chí đưa tin, bàn thảo sôi nổi, xem như là dấu hiệu của Lễ Ngũ Tuần lần thứ hai. Điểm cần ghi nhớ: Đây là sự kiện các tín đồ bỗng nhiên nói thông thạo một ngoại ngữ, không phải là sự lấp ba lấp bấp một tràng âm thanh vô nghĩa như những người “nói tiếng lạ” ngày nay. Năm 1905, Parham mở một Trường Thánh Kinh tại Houston, Texas và một người da đen tên là William Joseph Seymour được đào tạo tại đó. Trong suốt thời gian ở tại Houston, Seymour không biết "speak in tongues." Tháng 2 năm 1906, Seymour được mời giảng tại Los Angeles về đề tài "Phép Báp-tem Bằng Thánh Linh." Buổi giảng đầu của ông gây nên nhiều xáo trộn, là vì ông tuyên bố "speak in tongues" là dấu hiệu của sự đã được báp-tem bằng Thánh Linh, trong khi ông lại không biết "speak in tongues." Đến tháng 4 năm đó, một người nghe ông giảng tên là Edward Lee bỗng nhiên phát ra những tràng âm thanh vô nghĩa và sau đó vài ngày đến lượt Seymour. Họ xem như đó là ân tứ “speak in tongues” mặc dầu đó chỉ là những tràng âm thanh vô nghĩa. Tháng 5 năm 1906, Seymour trở thành lãnh tụ của Phong Trào "Azusa Street Revival," một phong trào không phân biệt giáo phái, chủng tộc, hoặc giới tính. Thuở ấy, mỗi ngày từ 10 giờ sáng cho đến khoảng hai, ba giờ sáng hôm sau, vô số người từ các nơi kéo về tụ hội ca hát, la hét lớn tiếng, nhảy múa, co giật như bị động kinh, té xuống ngất đi, kêu khóc, tru, rống như thú vật, và "nói tiếng lạ." Các giới lãnh đạo tôn giáo vùng Los Angeles và những nơi khác lập tức lên tiếng phủ nhận hiện tượng đang xảy ra tại Black Holiness Church, 312 Azusa Street, Los Angeles. Họ không công nhận đó là công việc của Đức Thánh Linh, khuyến cáo các tín hữu của họ, rằng phong trào này chạy theo cảm xúc, thông linh, và có Sa-tan tính. Vào tháng 10 năm 1906, khi Parham đến thăm Seymour và giảng tại Azusa Street, cũng đã sững sốt khi nhìn thấy các hiện tượng xảy ra tại đó. Theo Parham, những hiện tượng đó đến từ xác thịt, hoặc Ma Quỷ. Parham không công nhận phong trào "Azusa Street  Revival." Parham đã phát biểu về phong trào này như sau: "God is sick at His stomach!" (Tạm dịch: Đức Chúa Trời đang buồn nôn!) Sau đó, Parham và Seymour đã chia tay nhau và không bao giờ kết hợp trở lại. Tại đây, chúng ta cần chú ý đến chi tiết quan trọng này: Trong khi Parham và các sinh viên của ông được ơn nói lưu loát các ngoại ngữ mà trước đó họ không hề biết ,thì Seymour và những người theo ông chỉ phát ra những tràng âm thanh vô nghĩa, và có những biểu hiện cười, la, khóc, hú, vật vã thân hình không tự kiểm soát được như những người bị tà linh xâm nhập. KTT_011 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 2                              Trang 6
Phong trào "Azusa Street Revival" lắng xuống vào năm 1909 nhưng vẫn còn âm ỉ cho đến năm 1915. Từ phong trào này phát sinh ra nhiều giáo phái Ngũ Tuần khắp nơi trên thế giới. Người từ các nơi khác đến Los Angeles thăm viếng, khi trở về quê hương của họ đã mang theo các tín lý mới của Ngũ Tuần, gieo rắc trong cộng đồng của họ.
Xem tiếp: KTT_012 Bảy Biến Cố Quan Trọng Trước Kỳ Tận Thế – Phần 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét